
Năm Nguyên Tắc Solas Có Còn Quan Trọng Đối Với Hội Thánh Ngày Nay Không?
11/07/2025“Duy Kinh Thánh” (Sola Scriptura) có nghĩa là gì?

Nguyên tắc duy Kinh Thánh của Cải Chánh liên quan đến tính đầy đủ của Kinh Thánh như là thẩm quyền tối cao trong mọi vấn đề thuộc linh. Duy Kinh Thánh đơn giản có nghĩa là mọi lẽ thật cần thiết cho sự cứu rỗi và đời sống tâm linh của chúng ta đều được dạy một cách rõ ràng hoặc ngầm ẩn trong Kinh Thánh. Điều này không có nghĩa là mọi sự thật thuộc mọi lĩnh vực đều được ghi chép trong Kinh Thánh. Ngay cả những người bảo vệ mạnh mẽ nhất cho nguyên tắc Duy Kinh Thánh cũng sẽ thừa nhận rằng Kinh Thánh ít hoặc hầu như không nói gì về cấu trúc DNA, vi sinh học, ngữ pháp tiếng Trung, hoặc khoa học tên lửa. “Chân lý ‘khoa học’ này hay kia, chẳng hạn, có thể đúng hoặc không đúng, bất kể nó có được Kinh Thánh ủng hộ hay không—nhưng Kinh Thánh là ‘Lời chắc chắn hơn’, vượt lên trên mọi chân lý khác về thẩm quyền và sự chắc chắn. Theo sứ đồ Phi-e-rơ, điều đó ‘chắc chắn hơn’ cả những dữ liệu chúng ta thu thập trực tiếp qua các giác quan của mình (2 Phi-e-rơ 1:19). Vì vậy, Kinh Thánh là quyền uy tối cao và cao nhất về bất kỳ vấn đề nào mà nó đề cập đến.
Nhưng có nhiều câu hỏi quan trọng mà Kinh Thánh không đề cập đến. Duy Kinh Thánh (Sola Scriptura) không khẳng định điều ngược lại. Sola Scriptura cũng không tuyên bố rằng mọi điều Chúa Jêsus hay các Sứ đồ từng dạy đều được bảo tồn trong Kinh Thánh. Nó chỉ có nghĩa là mọi điều cần thiết, mọi điều ràng buộc lương tâm chúng ta, và mọi điều Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta đều được truyền đạt trong Kinh Thánh (2 Phi-e-rơ 1:3).
Ngoài ra, chúng ta không được phép thêm vào hay lược bớt bất cứ điều gì trong Kinh Thánh (so sánh Phục Truyền 4:2; 12:32; Khải Huyền 22:18-19). Thêm vào Kinh Thánh tức là đặt lên con người những gánh nặng mà chính Đức Chúa Trời không hề muốn họ phải gánh (xem Ma-thi-ơ 23:4).
Do đó, Kinh Thánh là thước đo trọn vẹn và duy nhất của chân lý thuộc linh, bày tỏ mọi điều cần tin để được cứu và mọi việc cần làm để làm sáng danh Đức Chúa Trời một cách không sai lầm. Đó chính là ý nghĩa của sola Scriptura — không hơn, không kém.
“Toàn bộ ý chỉ của Đức Chúa Trời, liên quan đến mọi điều cần thiết cho sự vinh hiển của Ngài, sự cứu rỗi của con người, đức tin và đời sống, hoặc được chép rõ ràng trong Kinh Thánh, hoặc có thể được suy luận cách hợp lý và cần thiết từ Kinh Thánh; và không điều gì, dù là sự mặc khải mới của Thánh Linh hay truyền thống loài người, được phép thêm vào đó bất kỳ lúc nào.” — Tín điều Westminster
Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ John MacArthur. Xem tại đây.