“Duy Kinh Thánh” (Sola Scriptura) có nghĩa là gì?
15/07/2025
“Duy Kinh Thánh” (Sola Scriptura) có nghĩa là gì?
15/07/2025

“Duy Đấng Christ (Solus Christus)” Có Nghĩa Là Gì?

Dù chúng ta đang sống trong thời đại nào, thời đại của các nhà cải chánh hay thời hiện tại, chúng ta đều bị cám dỗ làm ô uế vẻ đẹp của Đấng Christ qua những thần tượng của chính mình. John Calvin đã nói rằng điều đó nằm ngay trong bản chất của chúng ta: “Bản chất của con người… là một nhà máy sản xuất thần tượng không ngừng nghỉ… Tâm trí con người, đầy sự kiêu ngạo và liều lĩnh, dám tự tạo ra hình ảnh của một vị thần phù hợp với khả năng của riêng mình.”

Lẽ thật solus Christus đã được nhấn mạnh trong thời Cải Chánh khi các nhà Cải Chánh nhận thấy vấn đề của một hội thánh đã làm lu mờ Đấng Christ; một hội thánh tự nhận lấy những quyền hạn vốn chỉ thuộc về riêng Đấng Christ. Vấn đề này đã khiến các nhà Cải Chánh hiểu rõ rằng cần phải loại bỏ tất cả những điều có thể che mờ sự vinh quang tuyệt đối của quyền tối cao của Đấng Christ trong sự cứu rỗi của chúng ta. Các nhà Cải Chánh đã nhận thức rõ vấn đề này và đưa ra một giải pháp dựa trên Kinh Thánh và thần học, mang tính ứng dụng thiết thực cho thời đại của chúng ta ngày nay.

Vấn Đề Của Một Hội Thánh Vững Mạnh

Vào đầu thế kỷ mười sáu, hội thánh là trung tâm của đời sống của người dân ở Tây Âu. Trong nhiều thế kỷ trước đó, Giáo hội Công giáo La Mã đã chuyển biến từ “Cộng đồng những người được cứu” thành “Tổ chức ban phát sự cứu rỗi.”

“Tổ chức ban phát sự cứu rỗi” có nghĩa là gì? Luther nhận ra rằng vào thời của ông, người ta đã trở nên lệ thuộc vào hệ thống bí tích của Giáo hội Công giáo La Mã, và thay vì hướng về Đấng Christ để được đứng vững trước mặt Đức Chúa Trời, họ lại đặt lòng tin nơi Giáo hội. Người ta tin rằng nhờ công đức của Đấng Christ, Ma-ri và các thánh, Giáo hội Công giáo sở hữu một “kho ân điển”. Các linh mục là những người duy nhất có quyền phân phát ân điển đó, và tín hữu buộc phải đến với họ để nhận lãnh.

Năm 1520, Luther đã viết tác phẩm The Babylonian Captivity of the Church (Sự Lưu Đày Ba-by-lôn của Hội Thánh), trong đó ông mạnh mẽ chỉ trích hệ thống bí tích của Giáo hội. Luther cho rằng hệ thống đó chính là một hình thức lưu đày, trở thành một Ba-by-lôn mới, giam giữ dân sự của Đức Chúa Trời suốt cả cuộc đời họ. Trong hội thánh, người ta được làm báp têm khi còn là trẻ sơ sinh, được xác nhận đức tin khi còn trẻ, kết hôn khi trưởng thành, và nhận bí tích xức dầu cuối cùng lúc lâm chung. Mỗi bí tích này, cùng với chức vụ phong chức, đều được xem là ban phát ân điển khi được cử hành bởi một linh mục. Ân điển được ban cho qua các bí tích này còn được bổ sung suốt cuộc đời bằng hai bí tích khác: việc xưng tội thường xuyên với linh mục và việc đón nhận Thánh Thể qua Thánh Lễ.

Từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, người tín hữu phải phụ thuộc vào Giáo hội Công giáo, bị ràng buộc bởi các bí tích để nhận lấy ân điển để được cứu rỗi.

Luther dựa vào Kinh Thánh và chỉ nhận thấy hai bí tích. Ảnh hưởng của giáo lý ông dạy là chuyển trọng tâm từ Giáo hội Công giáo và giới chức sắc sang một mình Đấng Christ—sự cứu rỗi không đến từ một tổ chức với các linh mục như những người điều khiển vòi ân điển, mà là sự cứu rỗi trong một nhân vật duy nhất: Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời.

Khi loại bỏ đi hệ thống bí tích phức tạp này, người ta có thể đặt câu hỏi: vậy ân điển sẽ được nhận ở đâu? Nếu Giáo hội Công giáo đã sai lầm nghiêm trọng như vậy, thì các tín hữu phải làm gì? Các nhà cải chánh như Luther sẽ chỉ họ ở đâu?

Có một bức tranh nổi tiếng về Luther trong City Church (Stadtkirche) ở Wittenberg, nơi ông đứng trên bục đang giảng đạo. Ông giơ một tay lên, ngón trỏ duỗi ra, chỉ về Đấng Christ trên thập tự giá. Người tin Chúa cần đặt trọn niềm tin duy nơi Đấng Christ.

Khi Luther tuyên bố rằng “thập tự giá là thần học duy nhất của chúng ta,” ông đã trực tiếp đối đầu với toàn bộ hệ thống của Giáo hội Công giáo La Mã. Lẽ thật Solus Christus đã trở thành động lực cốt lõi cho phong trào cải chánh, nhằm thanh tẩy Hội Thánh khỏi những truyền thống ô tạp do con người đặt ra.

Vì vậy, Luther và các nhà Cải Chánh khác, trong nỗ lực sửa chữa những hậu quả từ các giáo lý sai lạc về cách con người được làm cho công chính trước mặt Đức Chúa Trời, đã từng bước loại bỏ những truyền thống tích lũy theo thời gian và tập trung vào Đấng Christ, con người và công việc cứu chuộc của Ngài là trọng tâm của đức tin chúng ta.

Giải Pháp Đến Từ Đấng Cứu Chuộc Quyền Năng

Câu trả lời của các nhà Cải Chánh đối với vấn đề hội thánh lạm quyền chính là một Đấng Cứu Chuộc Quyền năng được bày tỏ trong Kinh Thánh đầy thẩm quyền. Hãy xem xét 1 Giăng 1:1–4:

Nói về lời sự sống, là điều đã có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến. Sự sống này đã được bày tỏ; chúng tôi đã thấy và làm chứng, nên chúng tôi công bố cho anh em sự sống đời đời vốn ở với Đức Chúa Cha, và đã được bày tỏ cho chúng tôi. Chúng tôi lấy điều đã thấy, đã nghe mà công bố cho anh em để anh em có được sự tương giao với chúng tôi; còn chúng tôi vẫn có sự tương giao với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. 

Một mặt, các nhà Cải Chánh không có quan điểm mâu thuẫn về Cơ Đốc học (thần học về Đấng Christ) với Giáo hội Công giáo La Mã thời bấy giờ. Hay nói đúng hơn, Đức Chúa Jêsus Christ mang trong mình hai bản tính — vừa hoàn toàn là Đức Chúa Trời, vừa hoàn toàn là Con Người — trong một ngôi vị duy nhất, đó chính là thần học về Đấng Christ truyền thống mà các nhà Cải Chánh đã kế thừa và giảng dạy trong giáo lý của họ.

Như Giăng đã nói, Con Ngài đã ở cùng Cha từ cõi đời đời, nhưng Ngài cũng là con người thật mà chúng ta có thể dùng tay chạm đến Ngài: Một Đức Chúa Con, vừa mang thần tính vửa mang nhân tính. Dầu vậy, Đấng Christ tuyệt vời này cần được giới thiệu lại một cách rõ ràng và mới mẻ để mọi người hiểu rằng chỉ có Ngài, duy chính Ngài, là nguồn cội và toàn bộ sự cứu chuộc chúng ta.

Việc giảng và viết của các nhà Cải Chánh cũng giống như việc cầm lấy cây cọ và tô điểm toàn bộ bức tranh cứu rỗi chỉ với hình ảnh của Đấng Christ mà thôi. Ngay cả nét cọ nhỏ nhất cũng không thể vẽ thêm hình ảnh Giáo hội Công giáo La Mã và các linh mục của họ vào bức tranh đó, vì làm vậy sẽ làm ô uế bức tranh về sự cứu rỗi.

Vậy thì, các nhà Cải Chánh đã dựa trên điều gì để hoàn thiện bức tranh về Đấng Christ của mình? Mỗi nguyên tắc trong năm sola đều đặt nền tảng trên nguyên tắc đầu tiên: sola Scriptura — duy Kinh Thánh. Duy nơi Kinh Thánh, chúng ta mới tìm thấy bức tranh chân thật về Đấng Christ. Vì vậy, họ tìm đến những phân đoạn như 1 Giăng, ý thức rằng sách này mở đầu bằng hình ảnh về Đấng Christ và kết thúc bằng lời cảnh báo phải tránh xa các hình tượng. Họ tra cứu Cô-lô-se 2:9: “Vì sự đầy trọn của thần tính hiện diện trong thân thể hữu hình của Ngài.” Con Đức Chúa Trời nhập thể cách trọn vẹn — vừa hoàn toàn là Đức Chúa Trời, vừa hoàn toàn là Con Người trong một thân vị duy nhất — là niềm hy vọng duy nhất về sự cứu chuộc của chúng ta. Với tất cả quyền năng, Ngài đã thực hiện sự cứu rỗi cho chúng ta, làm cầu nối giữa Đức Chúa Trời và con người qua vai trò trung bảo đầy năng quyền của Ngài. Trong Đấng Christ không chỉ có nhân tính trọn vẹn, mà còn có “toàn bộ sự đầy trọn của thần tính”. Phúc âm của cuộc Cải Chánh chính là sự trình bày đầy đủ về điều này, công bố tất cả những gì thuộc về Đấng Christ Jêsus như nguồn mạch trọn vẹn của sự cứu rỗi dành cho chúng ta.

Thần Học Về Thập Tự Giá

Nếu chúng ta thêm vào bức tranh về sự cứu rỗi những việc làm vô ích của mình hoặc những người trung gian giả dối, thì chúng ta đang rao giảng thứ mà Luther gọi là “thần học của vinh quang” thay vì “thần học của thập giá” — và như vậy là cướp đi vinh quang của Đấng Christ, Đấng Cứu Chuộc quyền năng của chúng ta.

Liệu điều này vẫn còn là một cám dỗ đối với hội thánh ngày nay chăng? Điều đó có thể biểu hiện dưới những hình thức khác với Giáo hội Công giáo La Mã vào cuối thời Trung cổ, nhưng chắc chắn nó vẫn tồn tại.

Chúng ta luôn bị lôi cuốn vào việc theo đuổi một “thần học của vinh quang”, khiến bức tranh thuần khiết về sự cứu rỗi mà Lời Chúa truyền đạt cho chúng ta bị vẩn đục. Thần học của vinh quang mong muốn đến với Đức Chúa Trời nhưng lại bỏ qua thập giá, từ đó đưa vào những phương tiện do con người tạo ra để tiếp cận Ngài. Solus Christus đã là điều thiết yếu trong thế kỷ mười sáu và vẫn còn quan trọng trong thế kỷ hai mươi mốt, nhằm khẳng định rằng mối quan hệ giữa chúng ta và Đức Chúa Trời chỉ có thể được trung gian duy bởi Đấng Christ.

Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ Blair Smith. Xem tại đây.

D. Blair Smith
D. Blair Smith
Tiến sĩ D. Blair Smith là phó giáo sư thần học hệ thống tại Chủng viện Reformed Theological Seminary ở Charlotte, N.C., và là trưởng lão giảng dạy trong Giáo hội Trưởng lão tại Mỹ.