Dạy Chúng Con Đếm Các Ngày Chúng Con
03/06/2025
Những Sự Trao Đổi Vĩ Đại Trong Rô-ma
10/06/2025
Dạy Chúng Con Đếm Các Ngày Chúng Con
03/06/2025
Những Sự Trao Đổi Vĩ Đại Trong Rô-ma
10/06/2025

Khả Năng Phân Định Là Gì?

Một người quen của tôi mới đây đã chia sẻ quan điểm khiến tôi khá bất ngờ và đôi phần thất vọng. Tôi tự nhủ, “Tôi cứ tưởng anh ấy sẽ có khả năng phân định tốt hơn thế.”

Trải qua chuyện đó, tôi nhận ra tầm quan trọng của khả năng phân định và thấy sự thiếu vắng điều này trong thế giới ngày nay. Chúng ta biết rằng nhiều người thường không nhìn thấu vấn đề và dễ bị sai lạc vì không tư duy theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Thật đáng buồn, đây không chỉ là vấn đề của xã hội nói chung mà cũng là thực trạng trong cộng đồng hội thánh.

Có lẽ hầu hết chúng ta đều muốn tránh xa “những thành phần cực đoan” của Cơ Đốc giáo đương đại. Chúng ta luôn phải cảnh giác để không bị lừa dối bởi những kẻ dạy dỗ sai lạc. Nhưng khả năng phân định còn bao hàm nhiều điều hơn thế. Sự phân định đích thực không chỉ là phân biệt đúng với sai; mà còn là phân biệt điều chính yếu với điều thứ yếu, điều thiết yếu với điều không quan trọng, và điều vĩnh cửu với điều tạm thời. Thật vậy, sự phân định còn bao gồm khả năng phân biệt giữa điều tốt và điều tốt hơn, thậm chí giữa điều tốt hơn và điều tốt nhất.

Do đó, phân định giống như các giác quan tự nhiên; có người nhận được cách dồi dào như một ân tứ đặc biệt (1 Cô-rinh-tô 12:10), nhưng ở mức độ cơ bản thì ai trong chúng ta cũng cần có, và phải thường xuyên trau giồi. Cơ Đốc nhân phải chú ý phát triển “giác quan thứ sáu” của mình, khả năng phân định thuộc linh. Đây là lý do tại sao tác giả Thi Thiên cầu nguyện, “Xin dạy con tri thức và sự phán đoán đúng đắn” (Thi Thiên 119:66).

Bản Chất của Sự Phân Định

Vậy, khả năng phân định thực sự là gì? Từ được sử dụng trong Thi Thiên 119:66 có nghĩa là “cảm nhận”. Đó là khả năng đưa ra những phán đoán sắc bén, để phân biệt và nhận biết các hệ quả đạo đức của những hoàn cảnh và hướng hành động khác nhau. Nó bao gồm cả khả năng ‘cân nhắc’ và đánh giá tình trạng đạo đức và thuộc linh của từng cá nhân, tập thể, thậm chí các xu hướng. Vậy nên, dù cảnh báo chúng ta đừng vội vàng phán xét người khác, Chúa Jêsus cũng kêu gọi chúng ta phải có sự sáng suốt và phân định, tránh việc vứt bỏ ngọc quý cho lợn (Ma-thi-ơ 7:1, 6).

Một minh chứng nổi bật cho sự phân định này được ghi lại trong Giăng 2:24–25: “Đức Chúa Jêsus không phó thác mình cho họ, vì Ngài biết rõ mọi người”.

Đây là sự phân định mà không mang tính xét đoán phiến diện. Sự phân định đó đặt nền tảng trên kiến thức sâu sắc của Chúa về Lời Đức Chúa Trời và sự quan sát kỹ càng về cách Ngài ứng xử với loài người (Ngài, hơn ai hết, đã cầu nguyện: “Xin dạy con tri thức và sự phán đoán đúng đắn vì con tin vào các điều răn Chúa”, Thi Thiên 119:66). Rõ ràng sự phân định của Ngài càng được mài giũa qua những lần đối mặt và vượt qua cám dỗ, đồng thời khi Ngài luôn xét đoán mọi sự việc dựa trên Lời Chúa.

Khả năng phân định của Chúa Jêsus có thể thẩm thấu đến những nơi sâu kín của tấm lòng. Cơ Đốc nhân được mời gọi phát triển khả năng phân định sâu sắc tương tự. Vì sự phân định duy nhất có giá trị mà chúng ta có được chính là sự phân định mà chúng ta nhận được nhờ sự hiệp nhất với Đấng Christ, qua Thánh Linh, và qua Lời của Đức Chúa Trời.

Phân định chính là việc học theo suy nghĩ của Đức Chúa Trời, từ cả góc độ thực tế và tâm linh; là hiểu được mọi việc theo cách nhìn của Chúa, thấy chúng như thể ‘tất cả đều trần trụi và phơi bày’ (Hê-bơ-rơ 4:13).

Tầm Ảnh Hưởng của Sự Phân Định

Sự phân định này tác động như thế nào đến cách chúng ta sống? Theo bốn cách:

  1. Nó đóng vai trò như một phương tiện bảo vệ, giúp chúng ta tránh khỏi những sự lừa dối về thuộc linh. Sự phân định bảo vệ chúng ta khỏi bị cuốn theo những luồng giảng dạy tập trung quá mức vào chi tiết phụ của phúc âm hoặc coi trọng quá mức một phần ứng dụng cụ thể của Kinh Thánh như thể đó là thông điệp trọng tâm của cả Kinh Thánh.
  2. Khi được vận dụng trong ân điển, sự phân định còn là phương tiện mang lại sự chữa lành. Tôi đã gặp một số ít người với khả năng chẩn đoán nhu cầu tâm linh của người khác rất ấn tượng. Những người này có khả năng thấu hiểu sâu sắc những vấn đề nội tâm mà người khác đang trải qua, hơn cả chính người đó nhận biết. Tất nhiên, về một phương diện nào đó thì đây là một món quà đầy thử thách mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho họ. Nhưng khi được thực hành trong tình yêu, sự phân định có thể trở thành con dao mổ tinh tế trong ca phẫu thuật tâm linh, giúp mang lại sự chữa lành.
  3. Một lần nữa, sự phân định đóng vai trò then chốt trong việc mang lại sự tự do cho người Cơ Đốc. Người Cơ Đốc nhiệt thành nhưng thiếu sự phân định sẽ trở thành nô lệ—cho người khác, cho lương tâm thiếu hiểu biết của chính mình, và cho một lối sống không dựa trên Kinh Thánh. Trưởng thành trong sự phân định giúp chúng ta thoát khỏi sự trói buộc đó, biết đâu là điều nên làm trong hoàn cảnh nhất định, đâu là điều bắt buộc tuân thủ trong mọi trường hợp. Nhưng theo một cách khác, sự phân định chân chính còn giúp người Cơ Đốc tự do hiểu rằng không nhất thiết phải sử dụng tự do thì mới có thể tận hưởng được nó.
  4. Cuối cùng, sự phân định đóng vai trò như chất xúc tác cho sự phát triển thuộc linh: “Kẻ nhạo báng tìm khôn ngoan mà không gặp, nhưng người hiểu biết dễ dàng gặp tri thức.” (Châm Ngôn 14:6). Tại Sao? Bởi vì người Cơ Đốc biết phân định sẽ đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Người ấy biết một điều, đó là tất cả mọi sự đều có nguồn gốc chung nơi Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi kiến thức tăng lên, nó không gia tăng sự thất vọng mà giúp chúng ta nhận ra sâu sắc hơn sự hòa hợp của mọi công trinh và lời phán của Đức Chúa Trời.

Làm thế nào để có được sự phân định như vậy? Chúng ta nhận được sự phân định giống như cách Chúa Jêsus đã nhận—bởi sự xức dầu của Thánh Linh, nhờ hiểu biết Lời Chúa, kinh nghiệm ân điển của Ngài, và qua tiến trình Ngài dần dần bày tỏ cho chúng ta thấy rõ lòng mình.

Đó là lý do chúng ta cũng nên cầu nguyện: “Con là đầy tớ Chúa, xin ban cho con sự thông sáng” (Thi Thiên 119:125).


Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ Sinclair Ferguson. Xem tại đây.

Sinclair B. Ferguson
Sinclair B. Ferguson
Dr. Sinclair B. Ferguson is a Ligonier Ministries teaching fellow, vice-chairman of Ligonier Ministries, and Chancellor’s Professor of Systematic Theology at Reformed Theological Seminary. He is featured teacher for several Ligonier teaching series, including Union with Christ. He is author of many books, including The Whole Christ, Maturity, and Devoted to God's Church. Dr. Ferguson is also host of the podcast Things Unseen.