Khả Năng Phân Định Là Gì?
05/06/2025
Ân Điển và Lòng Thương Xót Bao La Vô Lượng Vô Biên
12/06/2025
Khả Năng Phân Định Là Gì?
05/06/2025
Ân Điển và Lòng Thương Xót Bao La Vô Lượng Vô Biên
12/06/2025

Những Sự Trao Đổi Vĩ Đại Trong Rô-ma

Khi sự kỳ diệu của phúc âm chạm đến cuộc đời bạn, bạn sẽ cảm thấy như vừa khám phá ra một kho báu vĩ đại mà chưa ai biết đến—quyền năng và sự vinh hiển của phúc âm. Suốt những năm qua, Đấng Christ đã ẩn mình ở đâu? Sự xuất hiện của Ngài như điều gì đó rất mới mẻ, sống động và đầy ân điển. Sau đó, một khám phá thứ hai đến, đó là chính bạn đã bị mù, nhưng giờ đây bạn được trải nghiệm chính điều mà vô số người trước bạn cũng đã từng trải qua. Bạn so sánh trải nghiệm của mình với người khác. Quả thật, bạn không phải là người đầu tiên! Bạn cũng sẽ không phải là người cuối cùng.

Nếu lấy chính kinh nghiệm của cá nhân tôi làm thước đo, việc khám phá Sách Rô-ma có thể là một trải nghiệm tương tự. Tôi vẫn nhớ, khi còn là một thiếu niên Cơ Đốc, suy nghĩ này dần dần lóe lên trong tâm trí tôi: cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc và có ích cho tôi, nhưng dường như Kinh Thánh cũng có sự định hình, cấu trúc, trọng tâm và phần bao quanh. Nếu điều đó đúng, thì một số sách trong Kinh Thánh có thể là nền tảng; những sách này cần được nắm vững trước.

Kế đó tôi nhận ra rằng (cùng với hệ thống thần học), phần giải nghĩa Kinh Thánh phải là nền móng quan trọng cho bộ sưu tập của tôi. Vào thời điểm đó tại Scotland, nơi tôi được hưởng đãi ngộ miễn học phí và trợ cấp cho sinh viên, tôi đã mua bộ nghiên cứu tuyệt vời về sách Rô-ma của Robert Haldane và John Murray. (Mãi về sau tôi mới nhận ra có thể mình đã có chút định kiến dân tộc, vì cả hai tác giả đều là người Scotland!)

Khi nghiên cứu sách Rô-ma, tôi đã cố gắng hiểu những chân lý sâu sắc và vượt qua những phân đoạn khó hiểu (chắc hẳn đó chính là những phần mà 2 Phi-e-rơ 3:14–16 đề cập đến!), tôi nhận thấy rõ rằng đã có biết bao bước chân đi trên con đường này trước tôi. Tôi chỉ mới bắt đầu tham gia cùng họ trong việc khám phá quyền năng đổi mới tâm trí, biến đổi đời sống của điều mà Phao-lô gọi là “Tin Lành của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 1:1; 15:16), “Tin Lành của Đấng Christ” (Rô-ma 1:16; 15:19), và “Tin Lành của tôi” (Rô-ma 2:16; 16:25). Không lâu sau, tôi hiểu rõ ràng lý do Martin Luther gọi Rô-ma là “phúc âm rõ ràng nhất trong tất cả”. Phúc âm trong sách Rô-ma có thể được tóm tắt trong một từ: trao đổi. Thật vậy, khi Phao-lô tóm tắt sự dạy dỗ của Rô-ma 1:18-5:11, ông kết luận rằng Cơ Đốc nhân “vui mừng trong Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, nhờ Ngài mà bây giờ chúng ta nhận được sự hòa giải” (Rô-ma 5:11). Nguyên nghĩa của từ Hy Lạp katallagē, được dịch là “hòa giải”, nghĩa là sự thay đổi (hoặc trao đổi) diễn ra giữa hai bên. Phúc âm của Phao-lô là câu chuyện về một chuỗi sự trao đổi.

Sự trao đổi thứ nhất được mô tả trong Rô-ma 1:18–32: biết Đức Chúa Trời Tạo Hóa được mặc khải rõ ràng, Đấng đã bày tỏ vinh quang Ngài trong vũ trụ mà Ngài dựng nên, loài người đã “đổi vinh quang của Đức Chúa Trời bất diệt đế lấy hình tượng của loàn người hư nát…đổi chân lý của Đức Chúa Trời để lấy sự dối trá; họ thờ phượng và phục vụ tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa” (1:23–26, nhấn mạnh thêm) — tất cả đều là những biến thể của cùng một gốc từ: sự trao đổi.

Sự trao đổi thứ hai là hậu quả trực tiếp và do Đức Chúa Trời chỉ định: Đức Chúa Trời đã đổi đặc ân được thông công và hiểu biết Ngài của con người thành cơn thịnh nộ công chính của Ngài trên con người (Rô-ma 1:18 trở đi). Thay vì nhận biết, tin cậy và tôn vinh Đức Chúa Trời bằng tình yêu, loài người bởi sự vô tín và gian ác của mình (trật tự này mang ý nghĩa quan trọng) đã tự chuốc lấy sự phán xét công chính từ nơi Ngài.

Vì vậy, mối thông công với Đức Chúa Trời đã bị đổi lấy sự đoán phạt từ chính Ngài. Điều này không chỉ đơn thuần là vấn đề tận thế ở tương lai xa; nó đang len lỏi và tác động một cách mạnh mẽ trong hiện tại. Con người từ bỏ Đức Chúa Trời và ngang nhiên phô trương sự tự chủ giả tạo của mình trước mặt Ngài. Họ nghĩ rằng, “Chúng ta khinh thường luật pháp của Ngài và tự do phá vỡ chúng, nhưng không có tia sét đoán phạt nào như đã cảnh báo giáng xuống chúng ta.” Tuy nhiên, thực tế là họ đã bị làm cho mù lòa và chai lì về mặt thuộc linh. Họ không thể nhận ra rằng hệ quả của việc chai lì lương tâm và thân thể bị phá hủy do sự phản nghịch mình gây ra là sự đoán phạt đến từ Chúa. Sự đoán xét của Ngài là công chính — nếu chúng ta lựa chọn sống trong sự không tin kính, thì hình phạt sẽ đến qua chính những phương tiện mà chúng ta đã dùng để phạm tội với Ngài. Cuối cùng, chúng ta đã đổi ánh sáng từ sự hiện diện của Ngài lấy bóng tối trong tâm hồn hiện tại và bóng tối bên ngoài trong tương lai.

Sự trao đổi thứ ba là sự trao đổi ân điển, mà con người vốn không xứng đáng (thực tế là đáng bị hình phạt) mà Đức Chúa Trời đã ban cho qua Đấng Christ. Đức Chúa Trời công chính xưng công chính cho tội nhân mà không làm tổn hại đến sự công chính của Ngài được thể hiện qua cơn thịnh nộ, nhờ vào sự chuộc tội mà Ngài đã thực hiện qua huyết của Đấng Christ để đền tội thay chúng ta. Phao-lô nói điều này trong những lời sâu sắc và cô đọng trong Rô-ma 3:21-26.

Chỉ đến phần sau của bức thư, Phao-lô mới cho chúng ta một cách nhìn khác, và theo một số cách cơ bản hơn: Con Đức Chúa Trời đã lấy bản tính của chúng ta và đến “giống như xác thịt tội lỗi” (Rô-ma 8:3) để đổi chỗ cho A-đam, để sự vâng lời và công chính của Ngài có thể thay thế cho sự bất tuân và tội lỗi của A-đam (và của chúng ta) (Rô-ma 5:12–21).

Sự trao đổi thứ tư là điều được ban cho tội nhân qua phúc âm: sự công chính và sự xưng công bình thay cho sự bất chính và kết án. Hơn nữa, sự công chính được hình thành bởi Đấng Christ này được tạo thành bởi đời sống vâng phục trọn vẹn của Ngài và sự hy sinh, chấp nhận gánh lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trên thập tự giá, nơi Ngài trở nên  của lễ chuộc tội (Phao-lô nói trong Rô-ma 8:3, Ngài đến đế “vì cớ tội lỗi”- BTT, hoặc để làm của lễ chuộc tội).

Bên cạnh việc nhấn mạnh rằng sự trao đổi thiên thượng này hoàn toàn phù hợp với sự công chính tuyệt đối của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:21, 22, 25, 26), Phao-lô còn khẳng định rằng con đường cứu rỗi này cũng phù hợp với sự dạy dỗ của Cựu Ước (“được luật pháp và các nhà tiên tri làm chứng”, câu 21; xem 1:1-4). Ông cũng nhấn mạnh rằng chúng ta không đóng góp gì cho sự cứu rỗi của chúng ta. Hoàn toàn bởi ân điển. Sự khôn ngoan tuyệt đối trong chiến lược cứu rỗi của Đức Chúa Trời thật khiến người ta kinh ngạc và tràn đầy kính sợ.

Sự trao đổi thứ năm bắt đầu xuất hiện ở đây. Trong cuốn Institutes of the Christian Religion, khi John Calvin chuyển từ Quyển II (về công việc của Đấng Christ) sang Quyển III (áp dụng của sự cứu chuộc), ông viết:

Bây giờ chúng ta cần xem xét vấn đề này. Chúng ta làm thế nào để nhận được những phước lành mà Cha đã ban cho Con Một của Ngài — không phải để Đấng Christ giữ riêng, mà để ban cho những người nghèo khó và cần được giúp đỡ? Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng chừng nào Đấng Christ còn ở bên ngoài chúng ta, và chúng ta vẫn cách xa Ngài, thì tất cả những gì Ngài đã chịu và làm cho sự cứu rỗi nhân loại vẫn vô ích và không có giá trị đối với chúng ta… Chúng ta có được điều này bởi đức tin.

Để đáp lại sự trao đổi vĩ đại đã được thực hiện cho chúng ta trong Đấng Christ, có một sự trao đổi được thực hiện trong chúng ta bởi Thánh Linh: sự vô tín nhường chỗ cho đức tin, sự nổi loạn được thay thế bằng lòng tin cậy. Sự xưng công chính—việc chúng ta được tuyên bố là công chính và được thiết lập mối tương giao công chính với Đức Chúa Trời—không phải do việc làm, dù là nghi lễ hay hình thức nào khác, mà bởi đức tin nơi Đấng Christ.

Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ Sinclair Ferguson. Xem tại đây.

Sinclair B. Ferguson
Sinclair B. Ferguson
Dr. Sinclair B. Ferguson is a Ligonier Ministries teaching fellow, vice-chairman of Ligonier Ministries, and Chancellor’s Professor of Systematic Theology at Reformed Theological Seminary. He is featured teacher for several Ligonier teaching series, including Union with Christ. He is author of many books, including The Whole Christ, Maturity, and Devoted to God's Church. Dr. Ferguson is also host of the podcast Things Unseen.