
Đức Chúa Trời Tốt Lành Có Nghĩa Là Gì?
30/05/2025
Khả Năng Phân Định Là Gì?
05/06/2025Dạy Chúng Con Đếm Các Ngày Chúng Con

Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan. (Thi 90:12)
Câu này thường được xem như một châm ngôn sống hàm ý: “Vì đời người ngắn ngủi, hãy sống cách khôn ngoan.” Nhưng trong bối cảnh của cả Thi Thiên, câu này mang ý nghĩa sâu xa hơn nhiều, như chúng ta sẽ thấy. Đây là một phần quan trọng trong sự suy ngẫm về Đức Chúa Trời và về cách sống xứng đáng với danh nghĩa là dân thuộc về Ngài.
Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, câu 12 bắt đầu bằng cụm từ “đếm ngày của chúng con.” Cụm từ này đưa chúng ta đến với chủ đề thời gian, chủ đề xuyên suốt Thi Thiên này. Suy ngẫm về thời gian khiến chúng ta nhận thức sự yếu đuối của chúng ta và cuộc sống ngắn ngủi biết bao: “Chúa khiến loài người trở vào bụi tro và phán rằng: ‘Hỡi con cái loài người, hãy trở về cát bụi!’… Chúa khiến chúng trôi đi như dòng nước lũ; chúng giống như một giấc ngủ, tựa như cỏ mới mọc ban mai. Buổi sáng nó nở bông và tốt tươi; đến chiều nó tàn tạ và khô héo… Tuổi tác của chúng con đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi, nhưng sự kiêu căng của nó chỉ rước lấy lao khổ và buồn thảm, vì đời người chóng qua, rồi chúng con bay mất đi” (90:3, 5-6, 10). Tại đây, Thi Thiên 90 thể hiện sự liên kết với những suy tư trong Thi Thiên 89 về sự mong manh của con người: “Xin Chúa nhớ lại đời người thật ngắn ngủi! Ngài dựng nên con loài người vô nghĩa biết bao! Ai là người sống mà chẳng thấy sự chết? Ai sẽ cứu linh hồn mình khỏi quyền âm phủ?” (Thi Thiên 89:47–48). Nhận thức rõ ràng về sự yếu đuối của bản thân chính là nền tảng thiết yếu để xây dựng trí tuệ chân thật. “Lạy Đức Giê-hô-va, xin cho con biết sự cuối cùng của đời con và số các ngày con là thể nào; xin cho con biết đời mình mỏng manh dường bao” (Thi Thiên 39:4).
Sự ngắn ngủi và yếu đuối của đời sống con người là hệ quả tội lỗi và sự phán xét trong thế gian. Tác giả Thi Thiên thẳng thắn thừa nhận tội lỗi của mình rằng: “Chúa đã đặt gian ác chúng con trước mặt Chúa, để những tội lỗi kín đáo chúng con trong ánh sáng mặt Ngài” (Thi Thiên 90:8). Ông biết rằng Đức Chúa Trời thánh khiết của ông sẽ thi hành sự phán xét đối với kẻ có tội. “Bởi cơn giận của Chúa, các ngày chúng con đều qua đi; năm chúng con tan mất như hơi thở . . . Ai biết được sức giận của Chúa? Ai hiểu được cơn giận của Chúa để thêm lòng kính sợ Ngài?” (90:9, 11). Thật đáng phải run sợ khi nhận ra rằng nếu con người không vâng phục Chúa như đáng phải có thì cơn giận của Chúa sẽ đến với mức độ tương đương với sự thiếu sót đó.
Dù cuộc đời ngắn ngủi và cơn giận của Ngài thật đáng sợ, nhưng lòng thương xót cùng sự quan phòng của Chúa dành cho dân Ngài lớn lao vô cùng. Đức Chúa Trời là nơi nương náu của dân Ngài: “Lạy Chúa, từ đời này qua đời kia, Chúa là nơi ở của chúng con” (90:1). Qua mọi thế hệ trong suốt lịch sử tồn tại của dân Ngài, từ thuở sáng thế cho đến nay, Đức Chúa Trời luôn gìn giữ và bảo vệ dân Ngài. Ngay cả trong vườn Ê-đen, Ngài đã hứa rằng chính Ngài sẽ cứu chuộc họ (Sáng Thế Ký 3:15). Đức Chúa Trời vẫn là nơi nương náu của dân Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời cứu chuộc.
Môi-se nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của con người yếu đuối và ngắn ngủi, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng đời đời. “Trước khi núi non sinh ra, đất và thế gian được dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời” (90:2). Môi-se dẫn dắt chúng ta nhìn lại trước cả công cuộc sáng tạo, để khẳng định rằng Đức Chúa Trời hiện hữu trước muôn vật và vượt trên mọi giới hạn của thời gian lẫn không gian. Ngài đã hiện hữu từ muôn đời, và Ngài hoàn toàn đầy đủ trong chính mình, không phụ thuộc vào chúng ta. Trong câu 4, Môi-se diễn đạt chân lý này bằng một cách khác: “Vì một nghìn năm trước mặt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh ban đêm.” Với Chúa, thời gian không giống như cách chúng ta cảm nhận, Ngài không bị giới hạn bởi thời gian như chúng ta. Đối với chúng ta, một nghìn năm là khoảng thời gian dài vô tận không thể tưởng tượng được. Đối với Đức Chúa Trời, nó không khác gì một khoảnh khắc. Ngài là Đấng đời đời, vượt trên thời gian mà Ngài đã tạo ra.
Đức Chúa Trời đời đời điều khiển dòng chảy lịch sử bằng quyền năng vô hạn của Ngài. Môi-se, người đã chứng kiến quyền năng của Đức Chúa Trời trong công cuộc giải cứu Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, tiếp tục cầu nguyện rằng uy nghi của công việc Chúa làm sẽ luôn hiện rõ trước mắt dân sự Ngài: “Nguyện công việc của Chúa bày tỏ ra cho các đầy tớ Chúa, và vinh quang Ngài chói sáng trên con cái họ!” (90:16). Như Chúa đã dùng quyền năng đưa đến những thử thách, Môi-se cũng cầu xin Ngài ban phước lành: “Xin Chúa làm cho chúng con được vui mừng để bù lại các ngày Chúa làm cho chúng con bị hoạn nạn, và tương xứng với những năm mà chúng con đã thấy tai họa” (90:15). Nếu điều chúng ta cần là nhận thức về sự ngắn ngủi của cuộc đời so với sự vĩnh cửu của Đức Chúa Trời, thì lời cầu nguyện của chúng ta với Chúa là xin Ngài dạy chúng ta biết trân trọng từng ngày của mình: “Xin dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con.” Chúng ta sẽ không thể lĩnh hội được bài học đó bằng sức riêng của mình. Chúng ta không chỉ thiếu hiểu biết khi dựa vào chính mình mà còn dùng sự gian ác áp chế chân lý (Rô-ma 1:18). Chúng ta thường tự nhủ rằng mình còn nhiều thời gian, và khi còn khỏe mạnh, chúng ta thật sự tin rằng mình sẽ sống mãi trong thân xác này. Chúng ta cần một người dạy dỗ, và chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có thể giải cứu chúng ta khỏi chính chúng ta.
Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ W. Robert Godfrey. Xem tại đây.