
Sự Chuộc Tội và Sự Làm Nguôi Cơn Giận Có Nghĩa Là Gì?
13/03/2025
Thế Nào Là Sự Ăn Năn?
13/03/2025Nơi Cầu Nguyện

Mục tiêu của đời sống Cơ Đốc là gì? Sự tin kính được sinh ra từ sự vâng phục Đấng Christ. Sự thuận phục mang lại sự phong phú trong trải nghiệm Cơ Đốc. Cầu nguyện là yếu tố kích thích và nuôi dưỡng sự vâng phục, giữ tấm lòng trong “tâm trạng” đúng đắn để khao khát vâng lời.
Tất nhiên, kiến thức cũng quan trọng vì không có nó, chúng ta không thể biết điều Đức Chúa Trời đòi hỏi. Tuy nhiên, kiến thức và lẽ thật sẽ vẫn chỉ là những khái niệm trừu tượng nếu chúng ta không giao tiếp với Đức Chúa Trời thông qua lời cầu nguyện. Chính Đức Thánh Linh là Đấng dạy dỗ, soi dẫn và soi sáng Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta. Ngài làm trung gian cho Lời Đức Chúa Trời và giúp chúng ta đáp ứng Đức Chúa Cha trong lời cầu nguyện.
Cầu nguyện có một vị trí quan trọng trong đời sống của Cơ Đốc nhân. Thứ nhất, đó là điều kiện tiên quyết tuyệt đối cho sự cứu rỗi. Một số người không thể nghe; tuy nhiên, dù điếc, họ có thể được cứu. Một số có thể không nhìn thấy; tuy nhiên, dù mù, họ có thể được cứu. Sự hiểu biết về Tin Lành – sự cứu rỗi qua sự chết chuộc tội và phục sinh của Chúa Jêsus Christ – sẽ đến từ nguồn này hay nguồn khác, nhưng cuối cùng, một người phải khiêm nhu cầu xin Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi. Lời cầu nguyện cứu rỗi là lời cầu nguyện duy nhất của kẻ ác mà Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ nghe.
Những người trên thiên đàng có điểm chung gì? Nhiều điều. Tất cả họ đều được xưng công chính, đã đặt đức tin của họ vào sự chuộc tội của Đấng Christ. Tất cả họ đều ngợi khen Đức Chúa Trời. Và tất cả họ đều đã cầu nguyện xin sự cứu rỗi. Không cầu nguyện nghĩa là không có mối quan hệ với Đức Chúa Trời, Đấng Christ, Đức Thánh Linh, cũng như không có hy vọng và thực tại của thiên đàng.
Thứ hai, một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất của Cơ Đốc nhân là đời sống cầu nguyện của người đó. Người ta có thể cầu nguyện dù không phải là một Cơ Đốc nhân, nhưng một Cơ Đốc nhân không thể không cầu nguyện. Rô-ma 8:15 chỉ ra rằng sự nhận nuôi tâm linh làm chúng ta trở thành con cái của Đức Chúa Trời, và điều này khiến chúng ta kêu lên: “Abba! Cha.” Cầu nguyện thiết yếu đối với Cơ Đốc nhân giống như hơi thở đối với sự sống, nhưng không có bổn phận nào của Cơ Đốc nhân lại bị xem nhẹ như cầu nguyện.
Cầu nguyện, ít nhất là lời cầu nguyện riêng tư, rất khó thực hiện với động cơ sai lệch. Người ta có thể rao giảng với động cơ sai lệch, như các tiên tri giả; một người có thể tham gia vào các hoạt động Cơ Đốc với mục đích không đúng đắn. Mặc dù nhiều hoạt động tôn giáo bên ngoài có thể xuất phát từ những động cơ sai lầm, nhưng thật khó để ai đó có thể cầu nguyện hay giao tiếp với Đức Chúa Trời vì một mục đích không đúng đắn. Ma-thi-ơ 7 cho chúng ta biết rằng trong “ngày sau rốt”, trong sự phán xét, nhiều người sẽ đứng trước Đấng Christ và nói về những việc lớn lao và cao quý của họ được thực hiện nhân danh Ngài, nhưng câu trả lời của Ngài sẽ là Ngài không biết họ.
Vì vậy, chúng ta được mời gọi, thậm chí được truyền lệnh, phải cầu nguyện. Cầu nguyện vừa là đặc ân vừa là bổn phận, và bất kỳ bổn phận nào cũng có thể trở nên nặng nề. Cầu nguyện, như bất kỳ phương tiện phát triển nào của người Cơ Đốc, đòi hỏi nỗ lực. Theo một nghĩa nào đó, cầu nguyện là điều trái với bản năng của chúng ta. Mặc dù chúng ta được tạo dựng để thông công và giao tiếp với Đức Chúa Trời, nhưng hậu quả của Sự Sa Ngã đã khiến hầu hết chúng ta lười biếng và thờ ơ với một điều quan trọng như sự cầu nguyện. Tái sinh thúc đẩy một khát khao mới để hiệp thông với Chúa, nhưng tội lỗi chống lại Thánh Linh.
Chúng ta có thể tìm thấy sự an ủi trong sự thật rằng Đức Chúa Trời biết tấm lòng của chúng ta và nghe những lời cầu xin chưa được nói ra của chúng ta hơn là những lời phát ra từ môi miệng của chúng ta. Mỗi khi chúng ta không thể diễn tả những cảm xúc sâu sắc trong tâm hồn hoặc khi chúng ta không biết điều mình nên cầu nguyện, Đức Thánh Linh sẽ cầu thay cho chúng ta. Rô-ma 8:26-27 cho biết,
Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì cho đúng, nhưng chính Thánh Linh dùng những sự thở than không thể diễn tả bằng lời mà cầu thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người người, biết rõ ý tưởng của Thánh Linh, vì Thánh Linh theo ý muốn Đức Chúa Trời mà cầu thay cho các thánh đồ. Khi chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào hoặc cầu nguyện về điều gì trong một tình huống nhất định, Đức Thánh Linh sẽ giúp đỡ chúng ta. Có lý do để tin rằng nếu chúng ta cầu nguyện sai, Đức Thánh Linh sẽ sửa chữa những sai sót trong lời cầu nguyện của chúng ta trước khi Ngài dâng chúng lên trước mặt Đức Chúa Cha, vì câu 27 cho biết Ngài “theo ý muốn Đức Chúa Trời mà cầu thay cho các thánh đồ.”
Cầu nguyện là bí quyết của sự thánh khiết – nếu sự thánh khiết thực sự có điều gì đó mang tính bí ẩn. Khi tra xem cuộc đời của các thánh nhân vĩ đại trong hội thánh, chúng ta nhận ra rằng họ là những người cầu nguyện vĩ đại. John Wesley từng nói rằng ông không đánh giá cao các mục sư không dành ít nhất bốn giờ mỗi ngày để cầu nguyện. Luther nói rằng ông thường xuyên cầu nguyện một giờ mỗi ngày trừ khi ông trải qua một ngày đặc biệt bận rộn. Sau đó, ông cầu nguyện trong hai giờ.
Việc bỏ bê cầu nguyện là một nguyên nhân chính gây ra sự trì trệ trong đời sống Cơ Đốc. Hãy xem xét ví dụ của Phi-e-rơ trong Lu-ca 22:39-62. Chúa Jêsus lên núi Ô-liu theo như thói quen để cầu nguyện, và nói với các môn đồ: “Hãy cầu nguyện để các con khỏi sa vào sự cám dỗ.” Thế nhưng các môn đồ ngủ thiếp đi. Điều tiếp theo Phi-e-rơ đã làm là cố gắng đối đầu với quân đội La Mã bằng một thanh gươm; rồi sau đó ông chối bỏ Đấng Christ. Phi-e-rơ đã không cầu nguyện và kết quả là rơi vào cám dỗ. Điều xảy ra với Phi-e-rơ cũng xảy ra với tất cả chúng ta: chúng ta thất bại ở nơi riêng tư trước khi chúng ta thất bại nơi công cộng.
Có quy định thời điểm đúng và sai để cầu nguyện không? Ê-sai 50:4 đề cập buổi sáng là thời điểm Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khát khao cầu nguyện mỗi ngày và về niềm tin tươi mới nơi Đức Chúa Trời. Nhưng có những phân đoạn khác đưa ra thời gian cầu nguyện trong tất cả các thời điểm trong ngày. Không có phần nào trong ngày được coi là thánh hóa hơn phần khác. Chúa Jêsus cầu nguyện vào buổi sáng, ban ngày, và đôi khi suốt đêm. Có bằng chứng cho thấy Chúa Jêsus đã dành thời gian cầu nguyện; tuy nhiên, khi xem xét mối quan hệ giữa Ngài và Đức Chúa Cha, chúng ta hiểu rằng sự hiệp thông giữa họ không bao giờ gián đoạn.
I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17 truyền lệnh cho chúng ta cầu nguyện không ngừng. Điều này có nghĩa là chúng ta phải ở trong một trạng thái liên tục hiệp thông với Cha của chúng ta.
Bài viết này được xuất bản lần đầu trên Blog của Mục vụ Ligonier