
Ủng Hộ Quyền Lựa Chọn: Điều Đó Có Nghĩa Là Gì?
14/03/2025
Nếu Đức Chúa Trời là Đấng Chủ Tể Tối Cao, Làm Sao Con Người Có Thể Tự Do?
14/03/2025Căn Nguyên Phương Tiện của Sự Xưng Công Chính

Quan điểm về sự xưng chính của thần học Cải chánh thường được tóm tắt trong khẩu hiệu sola fide, có nghĩa là “chỉ bởi đức tin.” Cụm từ sola fide thể hiện quan điểm rằng sự xưng công chính chỉ bởi đức tin.
Trong lịch sử, giáo hội Công giáo La Mã, cũng đã dạy rằng sự xưng công chính là bởi đức tin. Họ nói rằng đức tin là giai đoạn đầu của sự xưng công chính. Đó là nền tảng và gốc rễ của sự xưng công chính của chúng ta. Giáo hội La Mã khẳng định sự cần thiết của đức tin để được xưng công chính. Vì vậy, đức tin (fide) trong sola fide được giáo hội La Mã khẳng định rõ ràng. Điều không được giáo hội La Mã khẳng định là sola, bởi vì mặc dù đức tin là sự khởi đầu, nền tảng và gốc rễ của sự công chính, nhưng chỉ riêng đức tin thì không đủ để thực hiện sự xưng công chính. Phải có một điều gì đó ngoài đức tin để chúng ta được xưng công chính – một điều kiện cần thiết. Một điều kiện cần thiết là một yếu tố bắt buộc phải có để đạt được hiệu quả hay hậu quả theo sau, nhưng sự hiện diện của nó không đảm bảo kết quả.
Ví dụ, trong điều kiện bình thường, điều kiện cần thiết để có lửa là sự hiện diện của oxy. Nhưng, may mắn thay, chỉ sự hiện diện của oxy không đủ để tạo lửa. Nếu vậy, chúng ta sẽ bốc cháy mỗi khi hít thở không khí. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt giữa một điều kiện cần thiết và một điều kiện đầy đủ. Một điều kiện đầy đủ đảm bảo tuyệt đối rằng kết quả sẽ theo sau.
Với sự phân biệt đó, chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa quan điểm Công giáo La Mã và quan điểm Cải chánh về mối quan hệ giữa đức tin và sự xưng công chính. Theo quan điểm giáo hội La Mã, đức tin là một điều kiện cần thiết để xưng công chính, không phải là một điều kiện đủ để xảy ra. Theo quan điểm của giáo hội Tin lành, đức tin không chỉ là một điều kiện cần thiết mà còn là một điều kiện đủ để xưng công chính. Nghĩa là, khi chúng ta đặt đức tin và tin cậy vào Đấng Christ, Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ tuyên bố chúng ta là công chính trước mắt Ngài. Quan điểm Cải chánh, là quan điểm của Kinh Thánh, là nếu đức tin hiện diện, thì sự xưng công chính chắc chắn cũng hiện diện.
Trong quan điểm Cải chánh, điều không thể chấp nhận được là việc chúng ta có đức tin mà không được xưng công chính. Chúng ta không thể có sự xưng công chính khi không có đức tin, và không thể tồn tại việc có đức tin mà không được xưng công chính. Giáo hội La Mã nói rằng chúng ta không thể có sự xưng công chính mà không có đức tin, nhưng chúng ta có thể có đức tin mà không được xưng công chính. Chúng ta có thể giữ đức tin nhưng phạm một tội trọng sẽ phá hủy ân điển của sự xưng công chính, khiến chúng ta bị nguyền rủa (nếu không có sự sám hối thích đáng). Nhưng theo các nhà Cải chánh, chỉ cần sở hữu đức tin chân thật là đủ để chúng ta nhận được ân điển và duy trì trạng thái công chính.
Bản tuyên xưng đức tin cho biết:
Do đó, đức tin tiếp nhận và nương dựa vào Đấng Christ và sự công chính của Ngài, là công cụ duy nhất để được xưng công chính.
Một phương tiện là một công cụ được sử dụng cho một mục đích cụ thể. Khi tác giả của bản Tuyên xưng đức tin Westminster viết rằng đức tin là công cụ duy nhất của sự xưng công chính, họ đã nhận thức được cuộc tranh cãi trong thế kỷ XVI liên quan đến căn nguyên phương tiện của sự xưng công chính. Cần phải có một sự hiểu biết rõ ràng về giáo lý này – căn nguyên phương tiện của sự xưng công chính – vì đó là về cách chúng ta được cứu.
Thuật ngữ căn nguyên phương tiện bắt nguồn từ lịch sử vào thế kỷ thứ tư trước Chúa, trong triết lý của Aristotle. Ông quan tâm đến việc giải thích về chuyển động và thay đổi. Trong quá trình đó, ông đã cố gắng tách biệt các nguyên nhân khác nhau góp phần vào sự thay đổi trạng thái hoặc tình trạng của một vật. Điều đó liên quan thế nào đến câu hỏi của chúng ta? Về bản chất, chúng ta không được xưng công chính. Chúng ta không công chính, và tình trạng của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời là đáng gánh lấy cơn phẫn nộ của Ngài. Chúng ta cần thay đổi tình trạng của mình, từ trạng thái bị nguyền rủa sang trạng thái được xưng công chính.
Aristotle phân biệt bốn loại căn nguyên: căn nguyên mô thức, căn nguyên hiệu quả, căn nguyên cứu cánh và căn nguyên chất liệu. Ông không bao gồm căn nguyên phương tiện. Tuy nhiên, bốn căn nguyên của ông đã hình thành cơ sở cho khái niệm về căn nguyên phương tiện.
Ông đã sử dụng minh họa của một bức tượng được hình thành từ khối đá thô lấy từ mỏ đá. Aristotle định nghĩa khối đá là căn nguyên chất liệu, thứ mà từ đó một cái gì đó được tạo ra. Căn nguyên mô thức là ý tưởng trong tâm trí của nhà điêu khắc, hoặc bản thiết kế hoặc bản phác thảo của ông, về hình dáng cuối cùng của sản phẩm ông muốn tạo ra. Phải có một ý tưởng trước khi có kết quả. Căn nguyên hiệu quả là tác nhân mang lại sự thay đổi hình thể từ đá thành tượng, và trong trường hợp này là nhà điêu khắc. Ông là người làm cho điều đó xảy ra. Căn nguyên cứu cánh là mục đích mà vật thể được tạo ra, trong trường hợp này có thể là để làm đẹp một khu vườn.
Ngoài bốn căn nguyên này, chúng ta có thể thêm khái niệm về căn nguyên phương tiện, đó là công cụ được dùng để sự thay đổi xảy ra. Nếu nhà điêu khắc muốn biến đổi khối đá thành bức tượng, ông phải đục đẽo khối đá để tạo hình, tạo dáng và làm bóng nó. Cái đục và búa của ông là phương tiện, những công cụ được dùng để tạo ra sự thay đổi. Trong tiếng Anh, chúng tôi thường chỉ ra phương tiện bằng các từ by (bằng) và through (thông qua).
Khi các nhà cải chánh nói rằng sự xưng công chính là nhờ đức tin hoặc qua đức tin, họ khẳng định rằng phương tiện hoặc công cụ mà chúng ta được xưng công chính là đức tin và chỉ bởi đức tin. Công cụ duy nhất chúng ta cần, công cụ duy nhất cần thiết để đưa chúng ta từ trạng thái đáng bị nguyền rủa sang trạng thái được xưng công chính là đức tin, nhưng đức tin không phải là điều duy nhất chúng ta cần để được xưng công chính. Chúng ta cũng cần Đấng Christ để được xưng công chính. Nghĩa là, để được xưng công chính, chúng ta cần sự công chính hoàn hảo của Ngài và sự chuộc tội của Ngài trên thập tự giá. Mọi điều Đức Chúa Trời đòi hỏi để đáp ứng tiêu chuẩn công chính và công lý của Ngài đã được hoàn thành một cách khách quan trong và qua công tác của Đấng Christ. Ngài đã làm tất cả. Cuộc tranh luận giữa Công giáo La Mã và Tin lành về sự xưng công chính không phải là về công việc khách quan của Đấng Christ mà là về cách chúng ta nhận được lợi ích từ công tác của Ngài. Công tác khách quan của Đấng Christ được sử dụng một cách cá nhân như thế nào? Câu trả lời mà các nhà cải chánh đưa ra, dựa trên sự dạy dỗ của Sứ đồ Phao-lô, là “trong và qua, hoặc bởi và qua, chỉ bởi đức tin.” Nhưng không phải chỉ đức tin là điều cứu chúng ta. Khi chúng ta nói rằng xưng công chính chỉ là bởi đức tin, chúng ta đang nói rằng sự xưng công chính là bởi và qua đức tin của chúng ta trong Đấng Christ.
Căn nguyên phương tiện của sự xưng công chính, theo giáo hội La Mã, là lễ rửa tội và sự sám hối. Giáo hội La Mã định nghĩa các thánh lễ này là những công cụ mà qua đó một người được xưng công chính. Sự khác biệt là giữa sự cứu rỗi được thực hiện qua thánh chức (nghĩa là, qua sự quản lý các bí tích của giáo hội) và sự cứu rỗi được trải nghiệm qua đức tin chỉ trong Đấng Christ. Đây là sự khác biệt rất lớn. Lời tuyên xưng rằng đức tin là công cụ duy nhất để được xưng công chính vì chỉ qua đức tin mà chúng ta mới nương cậy và tiếp nhận sự công chính của Đấng Christ. Sự công chính của Đấng Christ, những lợi ích từ công tác chuộc tội của Ngài, công trạng khách quan hoặc nền tảng cho sự xưng công chính của chúng ta, được ban miễn phí cho bất cứ ai tin. “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Rô-ma 1:17). Chúng ta được xưng công chính không phải bởi đức tin cộng với việc làm mà chỉ bởi đức tin. Tất cả những điều cần thiết để bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời là đức tin hoặc sự tin cậy vào công tác của Đấng Christ mà thôi.
Đức tin không phải là nền tảng của sự xưng công chính của chúng ta. Nền tảng của sự xưng công chính của chúng ta là sự công chính của Đấng Christ, công trạng của Ngài. Các nhà cải chánh nói rằng căn nguyên có công trạng của sự xưng công chính của chúng ta là sự công chính của duy Đấng Christ. Căn nguyên phương tiện của sự xưng công chính của chúng ta là đức tin, nhưng khi chúng ta nói rằng chúng ta được xưng công chính chỉ bởi đức tin, không có nghĩa là đức tin là hành động có công trạng thêm điều gì đó vào nền tảng của sự xưng công chính của chúng ta.
Điều đó có tác động thực tiễn gì? Có những người nói rằng họ tin sự xưng công chính chỉ bởi đức tin nhưng lại dựa vào đức tin của mình như thể đó là công đức hoặc việc lành đáp ứng những đòi hỏi của công lý của Đức Chúa Trời. Việc một người có đức tin không làm tăng thêm công trạng cho người đó. Người đó nhận được công trạng vô hạn thông qua sự quy kể, nhưng đó là công trạng của Đấng Christ được quy kể cho họ. Chúng ta chỉ có thể nhận được công trạng của Đấng Christ bởi đức tin, và điều đó không tạo ra công đức riêng gì cho chúng ta. Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta là Đấng Christ, và cách duy nhất chúng ta có thể tiếp cận Ngài là qua đức tin. Chúng ta không nương cậy vào bất cứ điều gì khác trong đời mình ngoài Đấng Christ và sự công chính của Ngài để được cứu.
Đoạn trích này được chuyển thể từ Truths We Confess của R. C. Sproul.