
Lý Do Cuộc Cải Chánh Vẫn Còn Quan Trọng
10/04/2025
Ngày Cải Chánh Là Gì?
17/04/2025Các Bài Tín Điều và Các Bản Tuyên Xưng Đức Tin của Tin Lành

Cải chánh là một cuộc đấu tranh cho những điều thiết yếu của niềm tin. Đầu tiên với Luther, và sau đó với các truyền thống Tin lành khác, các nhà cải chánh đã đặt đức tin theo Kinh Thánh đối lập với đức tin theo lời dạy của giáo hội Công giáo La Mã và thẩm quyền dạy dỗ của Giáo hoàng. Chỉ ra Kinh Thánh là nguồn duy nhất cho giáo lý, tuy nhiên người Tin lành vẫn phải phát biểu rõ ràng sự hiểu biết của mình về sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Theo nghĩa này, các bản tuyên xưng đức tin Cải Chánh là một sự bung nở tự nhiên của sự cam kết của người Tin lành đối với Kinh Thánh.
Những người theo đạo Tin lành không phát minh ra tính cần thiết của các bản tuyên xưng đức tin. Qua nhiều thế kỷ, Giáo hội luôn tuyên xưng đức tin của mình giữa lúc hỗn loạn hoặc khủng hoảng. Vai trò của một bài tín điều hoặc một bản tuyên xưng đức tin không phải là thay thế cho Kinh Thánh, nhưng đúng hơn là để tóm tắt lời chứng của hội thánh về lẽ thật trong Kinh Thánh nhằm chống lại những sai lầm.
Ví dụ nổi tiếng nhất về sự thôi thúc này là các bài tín điều truyền thống – chẳng hạn như tín điều Nicene và Chalcedon – được viết từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ năm. Những tín điều này xuất phát từ nhu cầu tương tự như các bản tuyên xưng đức tin Tin lành sau này – cụ thể là, nhu cầu làm rõ những gì Hội thánh coi là thiết yếu về các vấn đề giáo lý.
Tuy nhiên, khác biệt trong các bản tuyên xưng đức tin của Tin lành là mong muốn cải cách từ gốc đến ngọn từ phía các nhà cải chánh. Các vấn đề của phong trào Cải Chánh không chỉ đơn giản là tranh cãi về một giáo lý – hoặc một tập hợp các giáo lý – mà dựa trên sự cần thiết phải cải cách hoàn toàn hội thánh. Một số giáo lý, chẳng hạn như giáo lý Ba Ngôi, được giữ lại như trong Kinh Thánh, trong khi những giáo lý khác, chẳng hạn như được xưng công chính chỉ bởi đức tin, cần được trình bày cẩn thận. Vì lợi ích của các hội thánh trong các truyền thống của họ, các nhà lãnh đạo Tin lành đã cố gắng viết ra bằng ngôn ngữ hàng ngày suy nghĩ đằng sau việc chấp nhận các giáo lý như được xưng công chính chỉ bởi đức tin hoặc từ chối huấn quyền của giáo hoàng.
Vì vậy, theo nghĩa này, các bản tuyên xưng đức tin của Tin lành cũng giống như các tín điều ban đầu, ngoại trừ việc chúng tập trung sâu vào chi tiết hơn. Giống như một tín điều, chúng không thay thế cho Kinh Thánh, cũng không ngang bằng với Kinh Thánh. Thay vào đó, chúng là bài phát biểu rõ ràng những gì người Tin lành tìm thấy trong Kinh Thánh.
CÁC BẢN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN CỦA HỆ PHÁI LUTHERAN
Ví dụ đầu tiên về xu hướng này trong nhánh Tin lành được tìm thấy trong Phong trào Cải chánh thời kỳ đầu tiên của Luther. Sau khi đấu tranh cho giáo lý xưng công chính chỉ bởi đức tin từ năm 1517 đến năm 1519 và bị tuyên bố là kẻ ngoài vòng pháp luật và dị giáo tại Diet of Worms (1521), Luther đã ngay lập tức ngồi viết ra những điều cơ bản trong thông điệp của mình qua một bộ tài liệu mang tính chất của bản tuyên xưng đức tin. Hai tài liệu là cho hội thánh và một là để công khai bảo vệ thông điệp của Luther.
Trong hai trường hợp đầu tiên, Luther đã viết Giáo lý Lớn và Nhỏ vào năm 1529, cuốn đầu tiên để huấn luyện các môn đồ và hàng giáo phẩm trưởng thành và cuốn thứ hai dành cho trẻ em hoặc những tân tín hữu. Ông cũng đã viết một Lời Khuyến Khích Xưng Nhận Đức Tin cùng năm đó để minh chứng cho tính cần thiết của việc xưng nhận niềm tin. Luther lập luận, mặc dù hội thánh chỉ dựa trên Kinh Thánh thôi, nhưng việc tuyên xưng đức tin tập thể là cần thiết.
Những cuốn giáo lý ban đầu này cũng báo hiệu một trong những đặc điểm mang tính xác định của các bản tuyên xưng đức tin: chúng là những công cụ môn đồ hoá, thiết yếu cho đời sống của Hội thánh.
Bản tuyên xưng thứ ba là Bản tuyên xưng đức stin Augsburg nổi tiếng (1530), do Luther và Philip Melanchthon soạn thảo, không phải trên tinh thần tuyên xưng đức tin tập thể cho Hội thánh, mà để được đặt trước Hoàng đế Charles V và các vua châu Âu. Đó là một lời biện giáo cho thông điệp của Luther, đôi khi giọng điệu hoặc chí ít trong hàm ý của nó cũng mang tính hiếu chiến. Nó làm rõ những gì người theo phái Luther thực sự tin tưởng, chống lại những cáo buộc mà người Công giáo ở Đức đưa ra chống lại họ.
Do đó, các cuốn giáo lý và các bản tuyên xưng đức tin của Lutheran tạo thành một mô hình thu nhỏ các cách các bản tuyên xưng đức tin được sử dụng trong thời kỳ Cải Chánh: một là cho đời sống hội thánh, một cho tranh luận công khai chống lại những tuyên bố sai lầm về tính chính thống của Tin lành; một cho mọi tín đồ trong Hội thánh, một cho các nhà lãnh đạo của nó để làm rõ những gì họ coi là giáo lý Chính thống.
CÁC BẢN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN CỦA PHÁI CẢI CHÁNH NGÀY CÀNG NHIỀU THÊM
Truyền thống phái Cải Chánh cũng rất tâm huyết với tinh thần viết ra các bản tuyên xưng đức tin. Tùy thuộc vào độ rộng của tấm lưới mà chúng ta giăng ra, có khoảng bốn mươi đến năm mươi bản tuyên xưng đức tin theo phái Cải Chánh (hoặc chịu ảnh hưởng của phái Cải Chánh) được viết từ năm 1520 đến năm 1650 – cho đến nay được xem là nhiều bản tuyên xưng đức tin nhất trong bất kỳ truyền thống Tin lành nào. Năm 1523, gần như ngay lập tức khi truyền thống Cải Chánh bắt đầu, Huldrych Zwingli đã soạn thảo Sáu mươi bảy Điều để phát biểu rõ ràng các điểm đang bị đe dọa ở Zurich. Tiếp theo là Mười Luận điểm của Berne (1528), Bản tuyên xưng đức tin đầu tiên của Basel (1534), và một số người khác khi các thành phố bắt đầu áp dụng quan điểm của phái Cải Chánh. Ở các nước khác, những người khác cũng đi theo, với Bản tuyên xưng đức tin của Pháp (1559) và Bản tuyên xưng đức tin của người Scotland (1560).
Lý do cho rất nhiều bản tuyên xưng của phái Cải Chánh ấy là kết quả của bối cảnh của chúng. Đức tin Cải Chánh luôn được dẫn dắt bởi một nhóm anh em (mặc dù ấn tượng thời nay cho rằng chỉ có John Calvin tạo ra chính thống Cải Chánh). Nhưng truyền thống Cải Chánh được khai sinh gần như cùng một lúc ở một số thành phố và quốc gia. Từ năm 1520 trở đi, hết thành phố này đến thành phố khác đi theo phong trào Cải Chánh, thường là một phần, và khá nhiều thành phố thậm chí trước khi cuộc cải chánh đến Geneva. Do đó, không có tiếng nói duy nhất nào như của Luther để định hình các tài liệu nền tảng cho các bản tuyên xưng đức tin của phái Cải Chánh.
Kết quả là, hết hội thánh này đến hội thánh khác, cộng đồng này đến cộng đồng khác dành một phần năng lượng đáng kể của họ để hệ thống hóa một bản tuyên xưng đức tin cho các hội thánh địa phương của họ. Đây là lý do tại sao hầu hết các bản tuyên xưng đức tin của phái Cải Chánh đồng nhất với thành phố mà chúng bắt nguồn: đây là bản tuyên xưng cho thành phố này, hội thánh này, không phải cho tất cả các hội thánh Cải Chánh chấp nhận.
Tuy nhiên, như các nhà sử học và thần học chỉ ra, có một sự hài hòa trong những bản tuyên xưng của phái Cải Chánh này hợp nhất tiếng nói đa dạng của họ thành một tiếng nói Cải Chánh duy nhất. Sự khác biệt của chúng không quá lớn đến mức chúng ta không thể thấy sự hợp nhất của chúng trong các vấn đề sự cứu rỗi, thờ phượng và thực hành. Ngày nay, nhiều hội thánh công nhận một sự hòa hợp cơ bản của cái được gọi là Ba Hình Thức Hợp Nhất – Bản tuyên xưng của Bỉ, Các kinh điển Dort và Sách giáo lý Heidelberg – một sự thống nhất không phải về phương diện tác giả mà ở phương diện làm chứng cho các nguyên tắc Cải Chánh.
Điều này không có nghĩa là tất cả các bản tuyên xưng của phái Cải Chánh đều giống hệt nhau. Khi niềm tin Cải Chánh lan rộng từ các bang của Thụy Sĩ sang Đức, Pháp, Hà Lan và sau đó đến Anh và Scotland, có những khác biệt đáng chú ý về điểm nhấn hoặc cách áp dụng. Những bản sắc mang hơi hướng của những bản tuyên xưng này tạo thành những bước đầu tiên làm phát sinh sự đa dạng của các hệ phái và cộng đồng Cải Chánh như chúng ta biết ngày nay.
NGƯỜI THEO PHÁI CẢI CHÁNH TỰ DO Ý CHÍ Ở HÀ LAN VÀ DORT
Ví dụ, ở Hà Lan, sự trỗi dậy của chủ nghĩa Arminian trong các hội thánh Cải Chánh đã cung cấp bối cảnh cho Giáo hội nghị Dort (1618-19), một ứng dụng độc đáo của các nguyên tắc Cải Chánh vào những thách thức của Jacob Arminius. Sau khi học ở Geneva dưới sự hướng dẫn của người kế nhiệm Calvin, Theodore Beza, Arminius trở về Hà Lan để phục vụ với tư cách là một mục sư. (Một điều rất trớ trêu là Beza đã viết thư giới thiệu cho Arminius khi Arminius về nước.) Tuy nhiên, Arminius ngày càng nghi ngờ về chủ nghĩa kinh viện Cải Chánh và những lời dạy của nó về tiền định cũng như ân điển. Theo thời gian, những lời dạy của ông đã trở thành lời kêu gọi của một số nhà lãnh đạo khác chống lại hệ phái Calvin.
Sau cái chết của Arminius vào năm 1609, quan điểm của Arminius – còn được gọi là đức tin Remonstrant – đã sớm hệ thống hóa năm điểm được đệ trình lên các nhà lãnh đạo của cuộc chiến tranh Hà Lan để tách khỏi các khu vực của Hà Lan theo Công giáo do Tây Ban Nha kiểm soát. Giáo hội nghị Dort đã họp để đáp lại điều này và bác bỏ từng điểm trong số năm điểm đó. Do đó, cái gọi là năm điểm của thuyết Calvin đã ra đời, mặc dù ý định của giáo hội nghị không phải là giảm đức tin ấy xuống còn năm điểm, mà chỉ đơn thuần là đưa ra câu trả lời cho năm điểm của giáo lý Arminian.
Tiến tới cuối thế kỷ XVII, chúng ta thấy biểu hiện cá nhân này của các nguyên tắc Cải Chánh trong Bản tuyên xưng đức tin London (1689). Là kết quả sáng tạo của những tín đồ Baptist Thanh giáo – hoặc những tín đồ Baptist nguyên thủy – bản tuyên xưng này được viết bởi những người cam kết với giáo lý Cải chánh, những người dù sao đi nữa cũng khác với những người theo phái Trưởng lão, Anh giáo và những người theo phái Calvin Hà Lan về phương diện chính thể và việc từ chối báp-têm cho trẻ em. Bản tuyên xưng này là đỉnh cao của các thế hệ tín đồ Baptist xuất hiện ở Anh và sẽ định nghĩa quan điểm của Baptist Cải chánh suốt nhiều thế kỷ.
QUY CHẾ WESTMINSTER
Tuy nhiên, đỉnh cao của các bản tuyên xưng đức tin là Quy chế Westminster, bao gồm Bản tuyên xưng Đức tin Westminster, sách Giáo lý Dài và Rút gọn, Danh mục Thờ phượng chung và Hình thức Quản trị Giáo hội. Bản tuyên xưng này đóng vai trò như một cách biểu đạt mới của chính thống giáo Cải Chánh, trong khi hai sách giáo lý bắt chước cam kết của Luther trong việc cung cấp một cẩm nang cho cả những người trong hàng giáo phẩm hoặc người trưởng thành (Giáo lý Dài hơn) và trẻ em (Giáo lý rút gọn). Về độ dài và sâu, không một quy chế Cải Chánh hoặc hậu Cải Chánh nào sánh được với quy chế của Hội đồng Westminster. Tuy nhiên, lịch sử của nó xuất phát từ cuộc đấu tranh chống lại tinh thần Thanh giáo trong Anh giáo.
Kể từ thời Henry VIII (trị vì 1509–47), Anh giáo chỉ chấp nhận một bản tuyên xưng căn bản – đầu tiên là Bốn mươi hai Điều (1552), sau đó giảm xuống còn Ba mươi chín Điều (1563). Mặc dù những điều này hoàn toàn mang tinh thần Tin lành trong thần học, nhưng chúng không làm rõ cam kết của Anh giáo đối với các nguyên tắc thờ phượng và không nêu rõ quan điểm về các giáo lý gây tranh cãi như cấu trúc lãnh đạo hội thánh hoặc sự hiện diện của Đấng Christ trong Tiệc Thánh. Phần lớn sự thất bại trong Anh giáo Anh trong việc viết một bản tuyên xưng toàn diện hơn không phải do sự do dự mà là do cảm giác bất lực được tạo ra bởi sự thay đổi quá khốc liệt giữa lòng trung thành với Tin lành và Công giáo dưới thời hai người con của Henry, Edward VI và Mary I. Trong phần lớn thế kỷ XVI, Giáo hội Anh giáo không có sự xa xỉ để viết một bản tuyên xưng đức dài dòng, thống nhất.
Vào thời Elizabeth I, không ít người ở Anh tin rằng ngày trước cần có một bản tuyên xưng đức tin giới hạn. Những bản tuyên xưng rút gọn có thể làm giảm số lượng các cuộc cãi vã về giáo lý đang nổi lên, chẳng hạn, giữa các nhà lãnh đạo Cải Chánh và người lãnh đạo phái Lutheran ở châu Âu. Các giám mục như Matthew Parker – mặc dù tận tuỵ với đức tin Cải Chánh – bắt đầu bày tỏ mối quan tâm về tiếng nói ngày càng tăng đối với việc Giáo hội Anh giáo thay đổi lập trường của mình về việc thờ phượng, lễ phục, giáo lý và các thực hành giáo nghi khác.
Kết quả của sự căng thẳng này đã kích thích sự xuất hiện của chủ nghĩa Thanh giáo, đầu tiên dưới thời Elizabeth và sau đó ngày càng tăng dưới thời James I. Cách gọi này được áp dụng cho sự thôi thúc tìm kiếm cải cách thêm nữa hơn là một phong trào được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, tất cả những người Thanh giáo đều chia sẻ sự thất vọng trước sự do dự của các giám mục và các nhà lãnh đạo chính trị trong việc cải cách Giáo hội Anh giáo hơn nữa.
Vào thời vua Charles I, tình hình khá căng thẳng. Dưới thời nữ hoàng Elizabeth và vua James, tình cảnh của những người Thanh giáo thường là bị phớt lờ, mặc dù họ hầu như không bị bắt bớ. Tuy nhiên, vua Charles thể hiện một lập trường hung hăng hơn đối với những người Thanh giáo. Cuối cùng, xung đột giữa Quốc hội và nhà vua mang đến cuộc Nội chiến Anh (1642–51).
Những người Thanh giáo đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh này, được dẫn dắt bởi những nỗ lực anh hùng của Oliver Cromwell – ngày nay, bức tượng của ông vẫn nằm ngay trước Quốc hội. Trong suốt cuộc chiến đó, Quốc hội đã ra lệnh cho các nhà lãnh đạo Thanh giáo (và một vài cố vấn Scotland) triệu tập một hội đồng để mở rộng Ba mươi chín Điều thành một bản tuyên xưng đức tin đầy đủ phù hợp với các bản tuyên xưng đức tin khác ở châu Âu. Hội đồng Westminster đã thực hiện một nỗ lực trung thực để làm việc dựa trên Ba mươi chín Điều, nhưng họ sớm nhận thấy mô hình này quá hạn chế, vì vậy họ bắt đầu lại từ đầu.
Bối cảnh của các cuộc đấu tranh chống lại vua Charles và sự cần thiết phải cải cách hơn nữa giải thích độ dài và chiều sâu của Quy chế Westminster. Thay vì được coi là một nỗ lực để tóm tắt tất cả các học thuyết, thay vào đó, các Quy chế nên được xem như một sự bùng nổ các năng lượng bị dồn nén trong phái Thanh giáo để xác định giáo lý và nếp thực hành của phái Cải Chánh Anh. Máu đã từng đổ ra và nhiều tiếng nói đã từng bị làm cho câm nín, bây giờ khi những tiếng nói đó đã được giải phóng khỏi giới hạn của chúng, họ cảm thấy bổn phận của họ là giải thích không chỉ về quan điểm giáo lý của họ mà còn về sự thờ phượng, môn đồ hóa và một loạt các vấn đề khác trong đời sống của hội thánh.
CÁC BẢN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN NGÀY NAY
Ngày nay, các bản tuyên xưng đức tin được sử dụng theo nhiều cách khác nhau trong cuộc sống của các hội thánh Tin lành. Không phải tất cả các xu hướng trong các hội thánh Tin lành thuần tuý đều cởi mở với các bản tuyên xưng. Các ảnh hưởng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa Sùng kính và Cuộc Đại Thức tỉnh lần thứ hai đã mang tác động làm khô héo đến vai trò của các bản tuyên xưng – tập thể và cá nhân – ủng hộ một cách phát biểu đức tin trực tiếp hơn. Đôi khi, các bản tuyên xưng bị coi là rào cản đối với đức tin đích thực.
Trong khi những xu hướng này đáng báo động, thì những bản tuyên xưng đức tin của thế kỷ XVI và XVII vẫn chưa qua đi. Chúng được sử dụng hàng tuần trong nhiều hội thánh, cả trong bối cảnh thờ phượng và dạy giáo lý cho các tân tín hữu và trẻ em. Chúng cũng được sử dụng để xác minh sự trung thành của các mục sư và trưởng lão ở nhiều hệ phái khác nhau. Xét trên phương diện này, các bản tuyên xưng đức tin không chỉ tạo thành hàng rào ranh giới giúp đảm bảo tính chính thống mà còn được sử dụng như những tài liệu sống động tạo nên bước đi hàng ngày của các tín đồ Cơ Đốc giáo.
Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ Ryan Reeves. Xem tại đây.