
Tại Sao Cải Chánh Là Cần Thiết?
08/04/2025
Các Bài Tín Điều và Các Bản Tuyên Xưng Đức Tin của Tin Lành
15/04/2025Lý Do Cuộc Cải Chánh Vẫn Còn Quan Trọng

Vào ngày 31 tháng 10 năm 2016, Đức giáo hoàng Francis tuyên bố rằng sau năm trăm năm, những người Tin Lành và Công giáo giờ đây đã “có cơ hội hàn gắn một thời điểm then chốt trong lịch sử bằng cách vượt qua những tranh cãi và bất đồng từng ngăn cản chúng ta có thể hiểu được nhau”. Nghe qua thì có vẻ như cuộc Cải Chánh chỉ là một cuộc tranh cãi trẻ con, vô nghĩa và không cần thiết, một sự bốc đồng non nớt mà giờ đây, khi đã trưởng thành, chúng ta có thể bỏ lại sau lưng.
Nhưng hãy nói điều đó với Martin Luther, người đã cảm thấy được giải phóng và vui mừng đến mức khi tái khám phá giáo lý được xưng công chính chỉ bởi đức tin, ông đã viết: “Tôi cảm thấy mình như được sinh ra lần nữa và bước vào thiên đàng qua những cánh cổng rộng mở.” Hãy nói điều đó với William Tyndale, người đã thấy tin mừng ấy “vui vẻ, hân hoan và tràn đầy phước hạnh” đến nỗi khiến ông muốn “hát ca, nhảy múa và nhảy cẫng lên vì vui sướng”. Hãy nói điều đó cho Thomas Bilney, người đã nói tin mừng ấy mang đến cho ông “một sự an ủi và bình an lạ lùng, đến mức xương cốt bầm tím của tôi cũng muốn nhảy múa vì vui mừng”. Rõ ràng, những Nhà Cải Chánh đầu tiên không nghĩ rằng họ đang khơi mào một cuộc chiến dành cho trẻ con. Trong mắt họ, họ đã khám phá ra một tin mừng lớn lao và tràn đầy niềm vui.
TIN MỪNG VÀO NĂM 1517
Vào đầu thế kỷ XVI, châu Âu đã sống trong cảnh không có Kinh Thánh bằng ngôn ngữ phổ thông trong suốt khoảng một nghìn năm. Vì thế, Thomas Bilney thậm chí chưa từng biết được những lời như “Đấng Christ Jêsus đã đến trong thế gian để cứu vớt tội nhân” (1 Ti-mô-thê 1:15). Thay vì Lời của Đức Chúa Trời, người ta được dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng ban cho con người khả năng tự mình đạt được sự cứu rỗi. Như một giáo sư thời đó từng nói: “Đức Chúa Trời sẽ không từ chối ban ân điển cho những người làm hết sức mình.” Nhưng những lời được cho là khích lệ đó lại khiến những người nghiêm túc trở nên bối rối và mệt mỏi. Làm thế nào bạn có thể chắc chắn rằng bạn đã thực sự cố gắng hết sức? Làm thế nào bạn có thể biết liệu mình có trở thành người công chính đủ để được cứu rỗi hay không?
Martin Luther chắc chắn là đã cố gắng hết sức. Ông viết: “Tôi là một tu sĩ mẫu mực, và tuân thủ luật dòng nghiêm ngặt đến mức tôi có thể nói rằng nếu một tu sĩ nào có thể lên thiên đàng thông qua kỷ luật tu viện, thì đó hẳn là tôi.” Thế nhưng, ông vẫn thấy rằng:
Lương tâm của tôi không cho tôi sự chắc chắn, tôi luôn nghi ngờ và nói, “Ngươi đã không làm điều đó đúng cách. Ngươi đã không đủ thống hối. Ngươi đã bỏ sót điều này trong lời xưng tội.” Càng cố gắng dùng truyền thống loài người để chữa lành một lương tâm bất an, yếu đuối và phiền muộn, tôi càng thấy nó bất an hơn, yếu đuối hơn và phiền muộn hơn mỗi ngày.
Theo giáo lý Công giáo La Mã, Luther đúng là không thể chắc chắn về thiên đàng. Sự tin chắc về thiên đàng bị xem là kiêu ngạo sai trật, và đó chính là một trong những cáo buộc chống lại Joan of Arc trong phiên tòa năm 1431. Ở đó, các thẩm phán đã tuyên,
Người phụ nữ này phạm tội khi nói rằng mình chắc chắn sẽ được vào Thiên Đàng như thể mình đã là một người dự phần vào … vinh quang, bởi trên đời này, không ai biết mình xứng đáng với vinh quang hay là bị trừng phạt, chỉ một mình thẩm phán tối cao mới có thể biết được.
Sự phán xét đó hoàn toàn có ý nghĩa trong logic của hệ thống: nếu chúng ta chỉ có thể vào thiên đàng vì chúng ta đã (bởi ân điển của Đức Chúa Trời) trở nên xứng đáng, thì đương nhiên, không ai có thể chắc chắn được gì. Nói cách khác, tôi chỉ có thể tin chắc vào thiên đàng nếu tôi tin rằng mình vô tội.
Đó chính là lý do mà chàng sinh viên Martin Luther trẻ tuổi hét lên vì sợ hãi khi suýt bị sét đánh trong một cơn giông. Ông sợ chết, vì không hiểu biết về sự cứu rỗi đủ đầy và nhân từ của Đấng Christ – không hiểu biết về giáo lý xưng công chính duy bởi đức tin – ông không có chút hy vọng nào về thiên đàng.
Và cũng chính vì vậy mà khi ông tái khám phá trong Kinh Thánh về giáo lý xưng công chính duy bởi đức tin, ông cảm thấy như bước vào thiên đàng qua những cánh cổng rộng mở. Điều đó có nghĩa là, thay vì lo lắng và sợ hãi, giờ đây ông có thể viết rằng:
Khi ma quỷ buộc tội tôi về tội lỗi và nói rằng tôi đáng chết và xuống địa ngục, tôi sẽ nói rằng: ‘Tôi thừa nhận, tôi đáng chết và xuống địa ngục. Vậy thì sao? Điều đó có nghĩa là tôi bị kết án đời đời chăng? Tuyệt đối không. Vì tôi biết có một Đấng đã chịu đau khổ và thay tôi làm trọn mọi sự. Danh Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, là Con của Đức Chúa Trời. Ngài ấy ở đâu, thì tôi cũng sẽ ở đó.”
Và đó chính là lý do vì sao cuộc Cải Chánh khiến người ta yêu thích giảng luận và Kinh Thánh đến vậy. Vì được đọc Lời Đức Chúa Trời và nhận ra trong đó một tin mừng chói lọi rằng Đức Chúa Trời cứu người tội lỗi—không phải dựa trên việc họ ăn năn tốt đến đâu, mà hoàn toàn bởi ân điển của Ngài—giống như ánh nắng Địa Trung Hải rực rỡ xuyên qua bầu trời xám xịt đầy mặc cảm tội lỗi tôn giáo.
TIN MỪNG VÀO NĂM 2017
Không một chút giá trị hay sự liên quan nào từ những khám phá của cuộc Cải Chánh đã phai mờ suốt năm trăm năm qua. Những câu trả lời mà cuộc Cải Chánh mang lại cho các câu hỏi cốt lõi vẫn là điều tạo nên sự khác biệt giữa tuyệt vọng và hy vọng của con người. Điều gì sẽ xảy ra với tôi khi tôi chết? Làm sao tôi biết chắc được? Sự xưng công chính là món quà của một địa vị công chính (như các nhà Cải Chánh lập luận), hay là một quá trình trở nên thánh thiện hơn (như Giáo hội Công giáo khẳng định)? Tôi có thể tin chắc mình được cứu rỗi chỉ nhờ một mình Đấng Christ, hay sự cứu rỗi của tôi cũng dựa vào những nỗ lực và thành công của chính tôi trong việc đạt được sự thánh thiện?
Có lẽ điều khiến nhiều người nhầm lẫn rằng cuộc Cải Chánh chỉ là một phần của lịch sử có thể bỏ qua, là vì họ nghĩ rằng nó chỉ đơn thuần là một phản ứng trước một vấn đề tạm thời của thời đại. Nhưng càng nhìn kỹ, ta càng thấy rõ: Cuộc Cải Chánh không phải chủ yếu là một phong trào phản đối hay tách rời khỏi Giáo hội Công giáo và sự hư hoại của nó. Nó là một phong trào tích cực—một sự trở lại với Phúc Âm. Và chính điều đó là lý do khiến cuộc Cải Chánh vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Nếu cuộc Cải Chánh chỉ đơn thuần là một phản ứng trước hoàn cảnh lịch sử cách đây 500 năm, thì lẽ ra nó đã kết thúc từ lâu rồi. Nhưng vì nó là một chương trình liên tục để tiến gần hơn đến Phúc Âm, nên nó không thể kết thúc được.
Một phản đối khác cho rằng: trong thời đại ngày nay, văn hóa suy nghĩ tích cực và đề cao lòng tự trọng đã khiến con người không còn cảm thấy mình là tội nhân cần được xưng công chính nữa. Ngày nay, không mấy ai còn mặc áo vải thô hay thức thâu đêm cầu nguyện trong giá lạnh để mong được ơn Chúa. Vì vậy, vấn đề mà Luther gặp phải, cảm giác bị dằn vặt bởi tội lỗi trước mặt vị Thẩm Phán thiêng liêng, bị cho là chuyện của thế kỷ XVI, và do đó giải pháp của ông rằng con người được xưng công chính duy bởi đức tin bị xem là không cần thiết đối với chúng ta ngày nay.
Nhưng thật ra, chính trong bối cảnh hiện đại này, giải pháp của Luther lại vang lên như một tin vui và thích hợp. Bởi vì, khi nền văn hóa hiện đại từ chối khái niệm rằng con người có thể phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời và do đó cần được Ngài xưng công chính, thì con người lại rơi vào vấn đề cũ: cảm giác tội lỗi, chỉ là tinh vi hơn và không có cách giải quyết. Ngày nay, tất cả chúng ta liên tục bị tấn công bởi thông điệp rằng chúng ta sẽ được yêu thương hơn nếu chúng ta trở nên hấp dẫn hơn. Có thể điều đó không liên quan đến Đức Chúa Trời, nhưng nó vẫn là một hình thức của tôn giáo bởi việc làm, đã ăn sâu vào tâm trí con người. Trước thực trạng đó, cuộc Cải Chánh mang đến một tin mừng sáng chói. Luther nói những lời như tia nắng bất ngờ xuyên qua màn đêm u tối:
Tình yêu của Đức Chúa Trời không tìm kiếm điều làm Ngài hài lòng, mà chính Ngài tạo ra điều đó … Thay vì tìm kiếm lợi ích cho chính mình, tình yêu của Đức Chúa Trời tuôn tràn và ban cho điều tốt lành. Vì thế, tội nhân trở nên đáng yêu bởi vì họ được yêu thương; không phải họ được yêu thương họ vốn là đáng yêu.
MỘT LẦN NỮA, THỜI ĐIỂM ĐÃ CHÍN MUỒI
Năm trăm năm sau, Giáo hội Công giáo La Mã vẫn chưa được cải chánh. Dù ngày nay, nhiều người Tin Lành và Công giáo đều dùng lời lẽ thân thiện mang tính hiệp nhất, nhưng thực tế Giáo hội Công giáo La Mã vẫn bác bỏ sự xưng công chính chỉ bằng đức tin. Họ cảm thấy có thể làm như vậy bởi vì Kinh Thánh không còn được xem là thẩm quyền tối cao mà các giáo hoàng, công đồng và giáo lý phải tuân theo. Và bởi vì Kinh Thánh bị đẩy ra rìa như vậy, việc hiểu được Kinh Thánh không được khuyến khích, dẫn đến hàng triệu người Công giáo La Mã đáng thương vẫn bị giữ xa khỏi ánh sáng của Lời Chúa.
Bên ngoài Công giáo La Mã, giáo lý về sự xưng công chính duy bởi đức tin cũng thường bị né tránh, bị xem là lỗi thời, sai lầm hoặc khó hiểu. Một số quan điểm mới về những gì Sứ đồ Phao-lô muốn nói về sự xưng công chính, đặc biệt là khi những cách này làm lu mờ nhu cầu ăn năn cá nhân, thay vì giúp đỡ, lại khiến người ta thêm rối trí. Điều mà Luther từng nói không thể từ bỏ hoặc thỏa hiệp thì nay lại bị chính nhiều người từ bỏ và thỏa hiệp.
Hiện tại không phải là lúc rụt rè về giáo lý xưng công chính hoặc thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh vốn công bố lẽ thật đó. Được xưng công chính chỉ bởi đức tin không phải là di tích lịch sử lỗi thời, nó vẫn là thông điệp giải phóng tối hậu, là tin mừng có sức mạnh sâu sắc nhất để làm cho con người hồi sinh và nở rộ. Nó mang lại sự bảo đảm trước một Đức Chúa Trời thánh khiết, biến những tội nhân từng cố gắng mua chuộc Đức Chúa Trời trở thành những thánh đồ yêu mến và kính sợ Ngài.
Và ôi, biết bao cơ hội mà chúng ta có hôm nay để truyền bá tin mừng này! Năm trăm năm trước, phát minh máy in của Gutenberg đã mở ra cơ hội để Phúc Âm được truyền bá với tốc độ chưa từng có trước đây. Những bản Kinh Thánh của Tyndale và các bài viết của Luther có thể được in ra hàng ngàn bản phát hành rộng rãi. Ngày nay, công nghệ kỹ thuật số đã mang đến cho chúng ta một thời khắc Gutenberg khác, và cùng một sứ điệp ấy giờ đây có thể được lan truyền với tốc độ mà Luther chưa bao giờ dám mơ đến.
Cả nhu cầu lẫn cơ hội rao truyền Phúc Âm ngày nay đều lớn như năm trăm năm trước – thậm chí, còn lớn hơn nữa. Vậy thì chúng ta hãy lấy can đảm từ lòng trung tín của các nhà Cải Chánh xưa và tiếp tục giương cao cùng một Phúc Âm tuyệt vời ấy, vì nó chưa bao giờ mất đi vinh quang hay quyền năng xua tan bóng tối trong chúng ta.
Bài viết này được đăng lần đầu trên tạp chí Tabletalk