Tin lành có nghĩa là gì
25/03/2025
Martin Luther đã chết như thế nào?
01/04/2025
Tin lành có nghĩa là gì
25/03/2025
Martin Luther đã chết như thế nào?
01/04/2025

Tại sao bạn làm việc

Tại sao bạn làm việc? Tôi từng nghe một câu trả lời khá bi quan, kiểu như: “Chúng tôi làm việc để có thể mua giày cho con cái, để chúng có thể đi học, rồi sau này có việc làm, rồi lại mua giày cho con của chúng, và cứ tuần hoàn như thế…” Nói cách khác, công việc là vô nghĩa. Thực ra, nhìn từ góc độ này, cuộc sống dường như vô nghĩa—chỉ là một chuỗi lặp lại không hồi kết.

Tôi cũng đã nghe người ta nói rằng chúng ta làm việc để góp phần hỗ trợ các mục vụ thực hiện sứ mệnh quan trọng—công việc của Nướ Trời. Tôi không phản đối việc dâng hiến cho các mục vụ. Trên thực tế, tôi nghĩ bạn có thể đưa ra một trường hợp thuyết phục trong Kinh thánh rằng chúng ta có nghĩa vụ phải làm như vậy. Nhưng tôi tự hỏi liệu điều này có nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của công việc hay không.

Vậy nên, tại sao bạn lại làm việc? Tôi tìm thấy sự khởi đầu của câu trả lời trong Thi Thiên 104. Thi Thiên 104 phản chiếu sự sáng tạo và thậm chí có thể còn là suy ngẫm sâu sắc hơn về cơn Đại hồng thủy trong Sáng Thế Ký 6-8. Chúng ta thấy tác giả Thi Thiên không chỉ mô tả một cách thi vị về sự sáng tạo trời đất và muôn loài của Đức Chúa Trời, mà còn cho thấy việc chăm sóc tỉ mỉ của Ngài trong việc bảo tồn tạo vật và những sinh vật mà Ngài đã dựng nên (104:1-13).

Trong câu 14, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chu cấp cho cả gia súc và con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng con người có một vai trò. Họ phải chăm sóc những loại cây mà Đức Chúa Trời tạo ra. Đây chính là chức năng mang hình ảnh của Đức Chúa Trời được thể hiện trong thực tế. Là những người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta có quyền thống trị và chinh phục trái đất. Chúng ta phải mở rộng khu vườn nguyên thủy mà Đức Chúa Trời ban cho. Chúng ta thấy một áp dụng của ủy thác văn hóa được chép trong Sáng Thế Ký 1:26-28.

Chúng ta cũng thấy điều này trong câu 21-23 của Thi Thiên 104. Như sư tử săn con mồi – chúng hoạt động như cách chúng được tạo ra – con người cũng “đi ra làm việc và làm cho đến chiều tối” (104:23). Ở đây có một sự hòa hợp chúng ta không nên bỏ qua. Tất cả các tạo vật của Đức Chúa Trời, lớn và nhỏ, được trình bày như đang hoạt động hài hòa với thiết kế ban đầu khi chúng được dựng nên. Sư tử được dựng nên để “làm việc” của sư tử. Chúng ta được dựng nên để làm việc như những người mang hình ảnh của Chúa. Trên thực tế, tác giả Thi Thiên di chuyển liền mạch không chỉ từ tạo vật này sang tạo vật khác, mà còn từ tạo vật đến Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa. Trong câu tiếp theo, câu 24, tác giả Thi Thiên tuyên bố, “Lạy Chúa, công việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã dựng nên tất cả một cách khôn ngoan; trái đất đầy dẫy các tạo vật của Ngài.”

Tác giả Thi Thiên muốn chúng ta liên hệ công việc của mình với các vấn đề có ý nghĩa lớn hơn. Khi làm việc, chúng ta phản chiếu công việc của Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa. Trong công tác chinh phục và thống trị, cũng như chăm sóc tạo vật, chúng ta còn thấy điều khác nữa. Công việc của chúng ta làm chứng và bày tỏ về Đấng đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Công việc của chúng ta là một lời chứng, một dấu chỉ hướng về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. C.S. Lewis đã từng nói rằng chúng ta chưa bao giờ gặp một người bình thường. Có lẽ chúng ta có thể diễn giải điều đó thế này: Chúng ta chưa bao giờ làm một công việc bình thường. Công việc không hề tầm thường, vô nghĩa, vặt vãnh, phi lý hay không có giá trị. Công việc của chúng ta cần được hiểu là đầy ý nghĩa và vô cùng quan trọng.

Nhưng, chờ đã, không chỉ có vậy.

Trong các câu 25–26, chúng ta thấy rằng:

Còn biển thì rộng lớn bao la,
trong đó có vô số loài sinh vật,
các sinh vật sống nhỏ và lớn.
Tàu thuyền đi lại trên đó,
cũng có loài Lê-vi-a-than mà Chúa đã dựng nên để đùa giỡn trong đó.

Rõ ràng là biển và các sinh vật trong đó làm chứng cho sự vĩ đại, uy nghi và vẻ đẹp của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy nhìn kỹ câu 26. Tác giả Thi Thiên đặt hai điều song song với nhau: tàu thuyền và loài Lê-vi-a-than. Các sách thơ ca, như Thi Thiên và Gióp, và thậm chí thỉnh thoảng các sách tiên tri, đề cập đến sinh vật này, 

loài Lê-vi-a-than. Có không ít suy đoán về danh tính chính xác của sinh vật này. Nó có phải là một con cá voi khổng lồ không? Một con khủng long? Hay một con mực khổng lồ? Điều chúng ta biết chắc chắn là loài Lê-vi-a-than khiến chúng ta ngạc nhiên. Có lẽ chúng ta đã sử dụng từ “đáng kinh ngạc” quá thường xuyên khiến nó mất đi sức mạnh tu từ của nó. Trong trường hợp này, từ đó hoàn toàn phù hợp. Lê-vi-a-than thật đáng kinh ngạc.

Lê-vi-a-than cũng thích chơi đùa. Chúng ta không thể bỏ qua điều đó. Jonathan Edwards, khi viết về loài nhện bay, lưu ý rằng khi con nhện này bay, dường như có một nụ cười trên mặt nó. Điều này khiến Edwards kết luận rằng Đức Chúa Trời đã ban “sự vui chơi và giải trí cho tất cả mọi loài vật, kể cả côn trùng.” Kể cả Lê-vi-a-than. Sinh vật tuyệt vời này biết đùa giỡn. Và sau đó là một tạo vật khác trong câu 26. Tạo vật này là do con người tạo ra: “Tàu thuyền đi lại trên đó.” Bây giờ, chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận về điều này. Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và sự sáng tạo của chúng ta được đặt cạnh nhau, song song bên cạnh nhau. Tác giả Thi Thiên kinh ngạc về loài Lê-vi-a-than, và người ấy cũng kinh ngạc về tàu thuyền. Bạn có thể hình dung điều đó. Có thể bạn đã tự thốt lên: “Nhìn kìa, tàu thuyền đang đi lại. Thật tuyệt vời.”

Việc đóng tàu cần có gì? Đóng tàu đòi hỏi sự kết hợp của toán học, vật lý, tay nghề mộc tinh xảo, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức được truyền qua nhiều thế hệ qua quá trình thử nghiệm và sửa chữa, cùng với nhiều công sức lao động. Điều khiển tàu thuyền đòi hỏi những gì?  Kỹ thuật điều hướng, chuyên môn, sức lực, cơ lưng khỏe mạnh, cánh tay mạnh mẽ, ý chí kiên cường, lòng quyết tâm và trí tuệ tích lũy qua nhiều thế hệ—tất cả những yếu tố này đều góp phần vào việc điều khiển tàu thuyền.

Tác giả Thi Thiên  này ngạc nhiên khi thấy những tàu thuyền đi trên biển lớn. Tác giả Thi Thiên kinh ngạc khi thấy loài Lê-vi-a-than vui đùa trên biển rộng. Những điều này thực sự rất tuyệt vời. 

Khi tiếp tục đọc Thi Thiên này, chúng ta thấy còn có nhiều điều hơn hơn những thực thể khổng lồ của thiên nhiên và nhân tạo vượt biển và nô đùa trên sóng.  Câu 27 cho biết: “Mọi sinh vật ấy,” ám chỉ tất cả các tạo vật của Đức Chúa Trời, “trông đợi Chúa để Ngài ban thức ăn cho chúng phải thì… Chúa xòe tay ra khiến chúng được no nê các vật tốt.” Chúng ta có được niềm vui, chúng ta có được sự thỏa lòng, chúng ta thấy việc mình làm có ý nghĩa. Chúng ta nhận biết những ân tứ Đức Chúa Trời ban, các nguồn lực Ngài cung ứng, và rồi chúng ta bắt đầu làm việc. Và rồi chúng ta thỏa lòng. Rượu nho khiến lòng người hứng khởi (104:15). Những sáng tạo của chúng ta khiến chúng ta kinh ngạc.

Đây là tất cả kết quả của những việc chúng ta làm. Nhưng không điều nào trong số này là mục đích chính hay kết quả cuối cùng của việc chúng ta làm. Mục đích chính của việc chúng ta làm bày tỏ trong câu 31: “Nguyện vinh quang Đức Giê-hô-va còn đến mãi mãi; Nguyện Đức Giê-hô-va hài lòng về công việc Ngài.” Công việc của chúng ta có ý nghĩa. Công việc của chúng ta phản ánh Đấng đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài. Khi làm việc, chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Khi chúng ta làm việc, Đức Chúa Trời vui lòng với chúng ta. Giờ thì chúng ta đã tìm thấy câu trả lời tại sao chúng ta làm việc.

Bạn có lưu ý về những điều không được đề cập trong Thi Thiên 104 không? Không một chi tiết nào nói đến đền thờ, các nhạc công trong đền thờ, các thầy tế lễ hay những hoạt động của họ. Có chi tiết về nông nghiệp. Có nhắc đến việc chăm sóc vườn nho. Có chi tiết về lao động chân tay. Có chi tiết về công việc. Có đề cập đến việc đóng tàu. “Tàu thuyền đi lại.” Vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời.


Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ Stephen J. Nichols. Xem tại đây.

Stephen Nichols
Stephen Nichols
Dr. Stephen J. Nichols is president of Reformation Bible College, chief academic officer for Ligonier Ministries, and a Ligonier Ministries teaching fellow. He is host of the podcasts 5 Minutes in Church History and Open Book. He has written more than twenty books, including Peace, A Time for Confidence, and R.C. Sproul: A Life and volumes in the Guided Tour series on Jonathan Edwards, Martin Luther, and J. Gresham Machen. He is coeditor of The Legacy of Luther and general editor of the Church History Study Bible.