
Tại sao bạn làm việc
27/03/2025
Dị Giáo Lớn Nhất Trong Tất Cả Các “Dị Giáo” Tin Lành Là Gì?
04/04/2025Martin Luther đã chết như thế nào?

Martin Luther qua đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1546. Một tháng trước đó, ông viết thư cho một người bạn than thở về tuổi già của mình, “Tôi là một ông lão mệt mỏi, chậm chạp, kiệt sức, run rẩy, và hơn nữa, chỉ còn một mắt.” Sau đó, ông thở dài, “Nửa chết nửa sống như tôi, lẽ ra nên ra đi bình yên.”
Tuy nhiên, Luther sẽ không ra đi trong yên bình. Quê hương Eisleben của ông phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Một cuộc xung đột làm lung lay trật tự xã hội và thậm chí cả trật tự giáo hội. Dù mệt mỏi, nhưng Luther đã quyết định quay về quê hương để giúp giải quyết tranh chấp. Ông rời Wittenberg cùng ba người con trai và một vài gia nhân. Họ đã đến Halle. Băng giá và bão tuyết gây khó khăn cho việc vượt sông. Luther gọi những tảng băng trôi thẳng về phía chiếc thuyền của họ là những kẻ chống lại người chịu báp-tem lại và các giám mục, giáo hoàng của Công giáo La Mã. Dù đã nửa sống nửa chết, nhưng tinh thần hài hước của ông vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.
Halle là quê hương của cộng sự lâu năm của Luther, Tiến sĩ Justus Jonas. Kể từ cuộc tranh luận tại Leipzig vào năm 1519, Jonas là một trong những môn đệ thân thiết nhất của Luther. Jonas đứng về phía Luther tại Đại hội Worms. Khi đang lưu vong tại Wartburg, Luther đã thúc đẩy cuộc cải chánh tại Wittenberg. Và giờ đây Justus Jonas có thể đồng hành cùng Luther trong chuyến đi cuối cùng của ông.
Luther và nhóm người đông đảo đi cùng ông đã tiến vào Eisleben với sự tiếp đón long trọng. Người hùng quê hương được chào đón nồng nhiệt trong những tiếng vỗ tay reo hò của đám đông và một đoàn kỵ binh hộ tống. Ông giảng vào Chúa nhật đó, ngày 31 tháng Giêng.
Nhưng cuộc hành trình cũng có cái giá riêng của nó. Luther đã viết cho Katie yêu quý của mình kể về những cơn gió cay đắng và những trận mưa rét cóng, chưa kể đến những tảng băng đáng e ngại ở đó. Rồi Luther lâm bệnh nặng. Một vụ hỏa hoạn dữ dội, ngay bên ngoài phòng của Luther, cũng đe dọa tính mạng của ông. Bản thân căn phòng của ông đã rất ọp ẹp. Thạch cao rơi từ các bức tường, làm gạch đá bên trong đổ ra. Một hòn đá, được cho là có kích thước bằng một chiếc gối, suýt nữa rơi trúng đầu
Luther. Những tai nạn bất ngờ này đã khiến Katie ở quê nhà vô cùng lo lắng. Cô ấy đã gửi một lá thư bày tỏ nỗi âu lo của mình. Luther đã hồi âm rằng ông nhớ cô ấy, và nói thêm: “Anh có một người chăm sóc cho anh còn tốt hơn cả em và tất cả các thiên sứ; Ngài nằm trong máng cỏ và được mẹ mình nuôi dưỡng nhưng Ngài cũng ngồi bên hữu của Đức Chúa Trời, Cha Toàn Năng.”
Luther đã viết bức thư đó vào ngày 7 tháng Hai. Mười một ngày sau, ông qua đời. Eisleben, thị trấn nơi ông sinh ra, bây giờ cũng lại là nơi ông qua đời. Ba người con trai của Luther sẽ tháp tùng thi thể của cha trở lại Wittenberg, nơi đám đông sẽ họp lại để bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng.
Ngay trước khi chết, Luther đã giảng bài giảng cuối cùng của ông từ trên giường bệnh tại Eisleben. “Bài giảng” chỉ đơn thuần là trích dẫn hai phân đoạn Kinh Thánh, một từ Thi thiên và một từ các sách Phúc Âm. Luther trích dẫn Thi Thiên 68:19, “Đáng chúc tụng Chúa là Đấng hằng ngày mang lấy gánh nặng của chúng con, tức là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi chúng con.” Sau đó, ông trích dẫn Giăng 3:16. Chúa của chúng ta thực sự là một Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi, và sự cứu rỗi đó đến qua công tác của Con Ngài.
Lucas Cranach, một họa sĩ, đã tặng một món quà tưởng niệm cho bạn của mình. Bức tranh tô điểm cho bàn thờ trong nhà thờ Castle Church. Trong đó Luther đang giảng cho một đám đông đang lắng nghe. Cranach cũng đã vẽ vợ của Luther, Katie, vào bức tranh. Ông cũng vẽ con gái của Luther, Magdalena, người đã chết khi mới mười ba tuổi, vào đó. Giữa Luther và giáo đoàn của ông là Đấng Christ. Luther rao giảng về Đấng Christ, và việc Ngài bị đóng đinh. Và khi hội thánh nghe Luther giảng, họ không thấy Luther mà thay vào đó, họ thấy Đấng Chrsit và Ngài bị đóng đinh. Đó là di sản của Luther.
Và di sản đó vượt xa thời đại của Luther.
Năm 1940, W. H. Auden đã đưa ra một lời tri ân nên thơ dành cho Luther và di sản của ông. Ông đặt tên bài thơ ngắn của mình là “Luther” với dòng kết thúc (tạm dịch) như sau:
Mọi công trình, vĩ nhân, xã hội suy.
“Người Công Chính sẽ sống bởi Đức Tin…”.
Và muôn người trên thế gian hoan hỉ,
Những con người chẳng run rẩy, lo âu.
Bài này từng được xuất bản bởi Tiến sĩ Stephen J. Nichols. Xem tại đây.