
Dị Giáo Lớn Nhất Trong Tất Cả Các “Dị Giáo” Tin Lành Là Gì?
04/04/2025
Lý Do Cuộc Cải Chánh Vẫn Còn Quan Trọng
10/04/2025Tại Sao Cải Chánh Là Cần Thiết?

Giáo hội luôn cần cải cách. Ngay cả trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Jêsus quở trách Phi-e-rơ, và chúng ta thấy Phao-lô sửa trị người Cô-rinh-tô. Vì Cơ Đốc nhân luôn là tội nhân, nên hội thánh sẽ luôn cần cải cách. Tuy nhiên, câu hỏi đối với chúng ta là khi nào nhu cầu này trở thành một sự cần thiết tuyệt đối?
Các nhà Cải Chánh vĩ đại của thế kỷ XVI kết luận rằng cải chánh là cấp bách và cần thiết trong thời đại của họ. Trong việc theo đuổi cải chánh cho hội thánh, họ đã bác bỏ hai thái cực. Một mặt, họ từ chối những người khăng khăng rằng hội thánh về cơ bản là lành mạnh và không cần những thay đổi cốt lõi. Mặt khác, họ từ chối những người tin rằng họ có thể tạo ra một hội thánh hoàn hảo trong từng chi tiết. Giáo hội cần cải cách cơ bản, nhưng nó cũng sẽ luôn cần phải tự cải cách. Các Nhà Cải Chánh đã đạt được những kết luận này từ việc nghiên cứu Kinh Thánh.
Năm 1543, Martin Bucer, Nhà Cải Chánh của Strasbourg, đã yêu cầu John Calvin viết một bài luận bảo vệ Cải Chánh để trình bày với Hoàng đế Charles V tại quốc hội hoàng gia dự kiến họp tại Speyer vào năm 1544. Bucer biết rằng hoàng đế Công giáo La Mã bị bao quanh bởi các cố vấn đang phỉ báng các nỗ lực cải cách trong nhà thờ, và ông tin rằng Calvin là mục sư có khả năng bảo vệ chính nghĩa Tin Lành nhất.
Calvin đã vượt qua thử thách và viết một trong những tác phẩm hay nhất đời mình, “Sự Cần Thiết Của Việc Cải Chánh Giáo Hội”. Chuyên luận quan trọng này không thuyết phục được hoàng đế, nhưng nó đã được nhiều người coi là bài trình bày tốt nhất về chính nghĩa Cải Chánh từng được viết ra.
Calvin bắt đầu bằng quan sát rằng mọi người đều đồng ý hội thánh có “bệnh vừa nhiều vừa nghiêm trọng”. Calvin lập luận rằng vấn đề nghiêm trọng đến mức Cơ Đốc nhân không thể chịu đựng “sự trì hoãn cải chánh lâu hơn” hoặc phải chờ đợi “các biện pháp khắc phục chậm chạp”. Ông bác bỏ lập luận rằng Các Nhà Cải Chánh đã phạm tội “đổi mới hấp tấp và nghịch đạo”. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng “Đức Chúa Trời đã dấy lên Luther và những người khác” để bảo tồn “chân lý tôn giáo của chúng ta”. Calvin thấy rằng nền tảng của Cơ Đốc giáo đang bị đe dọa và chỉ có lẽ thật Kinh Thánh mới có thể đổi mới hội thánh.
Calvin xem xét bốn lĩnh vực lớn trong đời sống của hội thánh cần được cải cách. Những lĩnh vực này tạo thành cái mà ông gọi là linh hồn và thể xác của hội thánh. Linh hồn của hội thánh bao gồm “sự thờ phượng Đức Chúa Trời cách thanh khiết và hợp pháp” và “sự cứu rỗi loài người”. Cơ thể của hội thánh bao gồm “việc sử dụng các thánh lễ” và “hệ thống quản trị hội thánh”. Đối với Calvin, những vấn đề này là trọng tâm của các cuộc tranh luận về Cải Chánh. Chúng rất cần thiết cho đời sống của hội thánh và chỉ có thể được hiểu một cách đúng đắn dưới ánh sáng của sự dạy dỗ từ Kinh Thánh.
Chúng ta có thể ngạc nhiên rằng Calvin đặt sự thờ phượng Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong các vấn đề Cải Chánh, nhưng đây là một chủ đề nhất quán của ông. Trước đó, ông đã viết cho Đức Hồng Y Sadoleto rằng: “Không có gì nguy hiểm cho sự cứu rỗi của chúng ta hơn là một sự thờ phượng Đức Chúa Trời cách vô lý và sai lầm”. Thờ phượng là nơi chúng ta gặp gỡ Đức Chúa Trời, và sự gặp gỡ đó phải được thực hiện theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng của chúng ta cho thấy chúng ta có thực sự chấp nhận Lời Chúa như thẩm quyền ở trên mình và vâng phục hay không. Sự thờ phượng tự tạo vừa là một hình thức tự xưng công chính và vừa là biểu hiện của việc thờ hình tượng.
Tiếp theo, Calvin chuyển sang điều mà chúng ta thường nghĩ là vấn đề lớn nhất của Cải Chánh, cụ thể là học thuyết về sự xưng công chính:
Chúng ta khẳng định, bất kể ai dù đã làm gì, họ cũng được coi là công chính trước mặt Đức Chúa Trời, đơn giản là trên nền tảng của lòng thương xót vô điều kiện; bởi vì Đức Chúa Trời, không quan tâm đến việc làm, vui lòng nhận lấy người đó trong Đấng Christ, bằng cách quy kể sự công chính của Đấng Christ cho người đó, như thể là của riêng người đó. Điều này chúng ta gọi là được xưng công chính bởi đức tin, tức là khi một người, từ bỏ hoàn toàn sự tin cậy vào công đức của mình, nhận biết rằng nền tảng duy nhất cho sự được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời chính là một sự công chính mà bản thân người ấy không có, nhưng được nhận từ Đấng Christ. Đây là điều mà thế giới luôn nhầm lẫn, (vì sai lầm này đã chiếm ưu thế trong hầu hết mọi thời đại) là tưởng tượng rằng con người, dù có khiếm khuyết một phần đến đâu, vẫn xứng đáng với ân huệ của Đức Chúa Trời nhờ vào việc người đó làm.
Những vấn đề nền tảng hình thành linh hồn của hội thánh được hỗ trợ bởi thân thể của hội thánh: các thánh lễ và hệ thống quản trị của hội thánh. Các thánh lễ phải được phục hồi với ý nghĩa và cách sử dụng thuần khiết và đơn giản được đưa ra trong Kinh Thánh. Hệ thống quản trị của hội thánh phải bác bỏ mọi sự chuyên chế ràng buộc lương tâm của các Cơ Đốc nhân trái với Lời Đức Chúa Trời.
Khi chúng ta nhìn vào hội thánh ở thời đại của mình, chúng ta có thể kết luận rằng cải chánh là cần thiết – thực sự, là cần thiết – trong nhiều lĩnh vực mà Calvin rất quan tâm. Chỉ có Lời Chúa và Thánh Linh của Đức Chúa Trời cuối cùng mới cải cách được hội thánh. Nhưng chúng ta nên cầu nguyện và làm việc trung tín để sự cải chánh đó sẽ đến trong thời đại của chúng ta.
Bài viết này được xuất bản lần đầu trên tạp chí Tabletalk.